Bách khoa sức khỏe

01-03-2016 11:10:07

Bệnh xương khớp bị viện trả về, tìm đến bài thuốc Nam này là khỏi

Gia đình có truyền thống lâu đời lấy các cây, lá thuốc Nam chữa gãy xương cho người dân quanh vùng. Đến đời ông đã 6 đời làm nghề này.

Hơn 30 năm qua ông Lê Phi Tiều (thôn Chiềng Khạc, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) chữa các bệnh về xương khớp cho người dân trong vùng bằng cây lá rừng. Ông Tiều bảo, rất nhiều bệnh nhân đến nhờ ông chữa vì bị bệnh viện trả về.

Bài thuốc thông mạch, bổ gân, chắc xương

Chúng tôi đến gia đình ông Tiều vào buổi sáng, ông vừa đi bó thuốc cho những người ở lại gia đình ông điều trị. Nhâm nhi chén trà nóng trên tay, ông kể: Gia đình ông có truyền thống lâu đời lấy các cây, lá thuốc Nam chữa gãy xương cho người dân quanh vùng. Đến đời ông là 6 đời làm nghề này.

Từ nhỏ ông đã được ông nội đưa lên những cánh rừng trong vùng để tìm các loại cây, lá mang về chữa bệnh. Ông nội ông Tiều trước đây có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh cho dân bản, nhưng ông chỉ dạy cho ông duy nhất bài thuốc chữa các bệnh về xương. Ông Tiều bảo để học bài thuốc này không khó, nhưng phải người có tâm chữa bệnh, coi bệnh nhân cũng như người thân của mình chữa mới nhanh khỏi.

Trước đây thấy ông là người tháo vát, khoẻ mạnh lại hiền lành nên ông nội mới truyền lại nghề để ông nối dõi. "Thuốc chữa các bệnh về xương của gia đình chúng tôi có 5 loại, là những cây lá thuốc Nam trên rừng. Tôi đã đi lấy nhiều năm nhưng thú thực để gọi tên chính xác của loại cây lá đó tôi không biết. Lên rừng biết loại đó chữa khỏi bệnh thì lấy về. Hằng ngày tôi vẫn lên rừng lấy thuốc về cho bệnh nhân chữa bệnh. Có người bắt chước tôi lấy loại thuốc đó về chữa gãy xương nhưng bệnh không khỏi. Cũng loại thuốc đó, nhưng khi đi lấy chúng tôi phải căn giờ, sao tẩm đúng cách thì mới khỏi bệnh", ông Tiều cho biết.

Theo ông Tiều, thuốc Nam khi lấy về rửa sạch, băm nhỏ và chia làm hai loại: Loại thứ nhất trộn lẫn với nhau để bó vào vết thương của người bệnh. Loại thứ hai bỏ thuốc vào nồi nấu lên để cho bệnh nhân tắm. Tắm để bệnh nhân thông huyết mạch, bổ gân và xương được rắn chắc. Thuốc đó còn được bó trực tiếp vào vết thương giúp cho liền xương, vết thương được lành lặn.

Bệnh viện trả về đến nhờ ông chữa

Ông Tiều bảo, những người đến nhờ ông chữa phần nhiều đã đi chữa trị nhiều nơi không khỏi. Bà Hồ Thị Tiến, 75 tuổi ở khu 1 xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc cho biết: Trong một lần bà được người cháu chở đi chơi không may bị xe tải đâm gãy chân. Sau đó người nhà đã đưa đi bệnh viện khám, các bác sĩ kiểm tra và kết luận bà bị gãy chân phải. Xương bị dập nát phải đóng đinh mới có thể đi lại được. Gia đình bà Tiến thấy bà tuổi cao sức yếu, không biết đóng đinh vào xương có lành lặn không nữa. Sau khi họp bàn, mọi người trong gia đình quyết định đến nhờ ông Tiều bó thuốc Nam.

Bà Tiến kể: "Tôi đến nhờ ông Tiều chữa đến nay được hai tháng, trước khi đến đây tôi chỉ ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải nhờ con cháu giúp. Nhưng giờ tôi đã có thể dùng nạng đi lại trong nhà được rồi. Hằng ngày ông Tiều mang những vị thuốc đã được giã nhỏ, cho vào nồi xào lên rồi bó vào vị trí chân bị gãy. Những vị thuốc này cũng được ông chặt nhỏ, rửa sạch cho vào nồi đun sôi để cho tôi uống. Có khi ông lại dùng nước này cho tôi tắm nữa. Ông ấy bảo phải kết hợp các phương pháp đó thì vết thương mới nhanh khỏi, xương mới nhanh liền. Quả thực sau một thời gian nhờ ông Tiều chữa trị chân của tôi đã đỡ nhiều. Mai là ông Tiều cắt thuốc cho tôi về nhà điều trị".

Cũng trong dãy phòng dành cho bệnh nhân nặng điều trị, chúng tôi gặp anh Phạm Văn Lai (xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc). Anh Lai cho hay, do những năm trước đây anh làm việc nặng, thời gian gần đây anh thấy lưng bị đau nhức. Vì thế, anh đã nhờ người thân đưa đi bệnh viện kiểm tra. Sau khi chụp cộng hưởng từ bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm tủy cắt ngang lưng. Anh đã đi chữa trị nhiều nơi không khỏi, nhờ người thân giới thiệu gia đình đưa lên nhờ ông Tiều điều trị.

"Khi tôi lên đây, vừa xuống xe phải nhờ hai người dìu vào nhà, từ ngang lưng xuống dưới chân, cơ thể đau nhức. Người đau đớn, mệt mỏi đến mức cơm ăn chỉ được nửa bát. Nhờ thầy Tiều chữa trị mà giờ tôi mới có thể ngồi dậy, chống gậy đi lại được. Hằng ngày thầy giã thuốc đắp vào lưng cho tôi, lấy thuốc cho tôi tắm. Vì thế, lưng tôi giờ đỡ đau nhiều rồi. Sau khi bóp xong thầy cho tắm thuốc lá, cơ thể thấy nhẹ nhõm, dễ chịu. Đặc biệt ở đây điều trị, nhưng thầy không bao giờ lấy tiền ở, chỉ lấy chút ít tiền thuốc thang", anh Lai kể.

Ân nhân của người nghèo

Ông Tiều bảo, một nguyên tắc bất di bất dịch của ông khi chữa cho bệnh nhân là họ phải trực tiếp đến để kiểm tra, phải đưa phim đã chụp ở bệnh viện cho ông xem. Khi đã xác định được bệnh cụ thể, nếu chữa được ông mới dám nhận. Hơn 30 năm qua, ông chữa bệnh cho người dân trong vùng không phải để thu tiền mà vì muốn mọi người được khoẻ mạnh.

"Gia đình tôi từng cưu mang nhiều người đến đây ăn ở để chữa bệnh. 7 năm về trước, cháu Lò Anh Đức quê ở huyện Bá Thước được mẹ cõng sang nhờ tôi chữa. Qua lời kể của mẹ Đức thì cháu bị bệnh viêm xương chậu, gia đình nghèo không có tiền đi viện chữa. Nhìn thấy tình cảnh đó tôi rất thương cháu, cho mẹ con cháu ở lại để chữa bệnh. Suốt hai tháng trời tôi chăm sóc chữa trị cho cháu Đức miễn phí. Mới hôm qua mẹ con Đức đến nhà tôi mang con lợn cỏ 5kg, cùng 100.000đ để tạ lễ", ông Tiều kể. Đó chỉ là một trong những trường hợp ông Tiều nhận chữa miễn phí.

Nhiều người ở xa ở lại nhà ông chữa bệnh, khi nào chữa khỏi thì ông mới lấy chút tiền thuốc thang, còn tiền ở thì ông hoàn toàn miễn phí. "Khi ông tôi truyền nghề đã nói rằng, làm nghề này không phải để làm giàu mà chủ yếu làm phúc. Dân trong vùng còn nghèo, bình thường đã khổ. Vì thế, khi họ bị bệnh tôi thương họ lắm", ông Tiều tâm sự.

Hiện nay, niềm vui nhất của ông Tiều là ba người con của ông đều biết lấy thuốc về chữa bệnh. Nhưng phương pháp bí truyền chữa khỏi các bệnh về xương thì ông vẫn giữ lại. Ông cần phải có thời gian để kiểm chứng bản lĩnh của từng người con. Vì theo ông làm nghề cứu người phải là người thực sự có bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức. Nếu như cả ba người con ông thấy không đủ các yếu tố cần và đủ để làm nghề thì buộc ông phải chờ đợi thế hệ cháu chắt.

Theo Tiền Phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

tu van ke toan