Bách khoa sức khỏe
21-08-2022 00:00:00
Thói quen lười ăn sáng có thể khiến cơ thể đối mặt nhiều vấn đề sức khoẻ
Nhiều người thường tự ý bỏ qua việc ăn sáng vì cho rằng nó chỉ là một bữa ăn bình thường, và sẽ chẳng có gì nghiêm trọng xảy ra. Điều này rất đáng quan ngại, vì việc để cơ thể bị đói sau một đêm dài có thể khiến ta phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe.
- Tránh nguy cơ bị điếc hoặc tổn thương não khi nước vào tai bằng 5 cách xử lý sau đây
- Thiền giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe trí não nhưng cũng có những tác động tiêu cực đối với sức khỏe
- Bộ não có thể đốt cháy bao nhiêu calo khi suy nghĩ?
- Tất tần tật về đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não
- Đây là loại siêu thực phẩm cực có lợi cho sức khỏe của tim, mắt và não
Không phải vô lý mà nhiều chuyên gia dinh dưỡng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của bữa sáng, thậm chí còn gọi nó là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Một phần vì đây là bữa ăn đầu tiên sau khoảng thời gian dài (khoảng từ 10 - 12 tiếng đồng hồ), tính từ bữa ăn cuối cùng ở hôm trước; cũng như chúng ta sẽ hoạt động nhiều hơn ở buổi sáng. Chính vì thế, để có đủ sức và bắt đầu một ngày mới đầy hiệu quả, cơ thể rất cần được cung cấp đủ dưỡng chất nhằm tái tạo năng lượng.
Nếu như bạn cố tình bỏ bữa sáng, về lâu dài bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe sau:
1. Làm tăng lượng đường trong máu
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ bằng việc bỏ bữa sáng 1 ngày thôi cũng có thể khiến ta đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên đến 6%. Và nó sẽ tăng lên nhiều hơn, thậm chí là 50 - 60% nếu chúng ta bỏ bữa sáng liên tục từ 4 - 5 ngày.
Nguyên nhân vì sao? Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thói quen lười ăn sáng có thể làm tăng nguy cơ kháng insulin rất cao. Insulin là một loại hormone có trách nhiệm xử lý lượng đường trong máu, đạt hiệu quả cao nhất vào buổi sáng. Không chỉ vậy, ăn sáng cũng được xem là một cách để kích thích sự tiết ra insulin của cơ thể, việc bỏ qua bữa ăn quan trọng này có thể gây ra nhiều gián đoạn các chức năng hoạt động của chất nội tiết insulin trong cơ thể, từ đó khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có thói quen nhịn ăn sáng dễ có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn so với những người ăn sáng đầy đủ (Ảnh: Internet) |
2. Thúc đẩy nhanh quá trình lão hoá
Không ăn sáng làm cơ thể bạn không có nguồn cung năng lượng từ bên ngoài, điều này buộc cơ thể phải sử dụng đến lượng đường và protein được dự trữ để sẵn sàng cho mọi hoạt động. Điều này về lâu dài sẽ khiến cho bề mặt da khô, nứt nẻ vì thiếu hụt dưỡng chất, cơ thể cũng nhanh nhăn nheo do mất đi nhiều dinh dưỡng. Đây chính là tình trạng lão hóa sớm, thường xuất hiện nhiều ở những người thường nhịn ăn sáng.
3. Viêm loét dạ dày
Thông thường, cơ thể của chúng ta sẽ hoàn toàn trống rỗng do thức ăn của bữa cuối cùng ngày hôm trước đã được tiêu hoá hết sau một đêm khoảng 8 - 10 tiếng. Thế nhưng các axit dịch vị ở dạ dày (có chức năng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hoá) vẫn sẽ tiết ra đều. Nếu bạn không ăn sáng, dạ dày sẽ trống rỗng, dịch vị được tích tụ lại sẽ làm cho môi trường dạ dày là môi trường chua, gây tổn hại đến thành dạ dày, dễ gây viêm loét.
Với những người vốn đã bị sẵn các loại bệnh về dạ dày, việc bỏ bữa sáng càng làm cho tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Dịch vị được tiết ra nhiều mà không có thức ăn để trộn lẫn sẽ tác động đến các vết viêm trước đó, gây tổn thương, dẫn đến xuất hiện các cơn đau.
Nếu việc bỏ qua bữa sáng xảy ra thường xuyên, các vết viêm loét càng bị tác động nhiều hơn, khiến bệnh dạ dày sẽ càng trở nặng (Ảnh: Internet) |
4. Gây béo phì
Nhiều chị em thường lầm tưởng cứ bỏ bữa sáng là sẽ giúp giảm cân vì không phải hấp thu chất béo, tinh bột. Đây là một khái niệm hoàn toàn sai. Thực tế, thói quen bỏ bữa sáng mới chính là một trong những nguyên nhân gây béo phì ở nhiều người.
Vì khi chúng ta bỏ bữa sáng, cơ thể sẽ đòi hỏi được ăn nhiều hơn vào bữa trưa và bữa tối bạn để có thể cung cấp đủ dinh dưỡng theo nhu cầu. Thậm chí nhiều người còn có xu hướng ăn nhiều đồ có đường để tái tạo năng lượng.
Trong khi đó, tại thời điểm bữa trưa và tối, chúng ta sẽ không có nhiều cơ hội để hoạt động thể chất, điều này khiến cho lượng thức ăn bên trong cơ thể không kịp tiêu hóa dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ thừa, lâu dần gây béo phì.
Do đó, thay vì bỏ bữa sáng hãy ăn uống điều độ ở cả ba bữa ăn để ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì đáng lo ngại (Ảnh: Internet) |
5. Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Theo một nghiên cứu của tạp chí Jama của Hiệp hội Y học Mỹ, những người thường xuyên bỏ bữa sáng thường mắc tỷ lệ đau tim đột ngột cao gấp 27%, và có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 87% so với những người ăn sáng đầy đủ.
Nguyên nhân được lý giải là do bỏ bữa sáng có thể gây hạ đường huyết, dễ bị tăng huyết áp, dẫn đến tắc nghẽn động mạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch mãn tính, nguy hiểm hơn là dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim, hoặc là đột quỵ.
6. Mệt mỏi, thiếu tập trung
Bữa sáng là nguồn năng lượng chính cho các hoạt động của não bộ, việc bỏ qua bữa sáng có thể khiến cơ thể thiếu hụt các dưỡng chất và không có sức để thực hiện những hoạt động trong ngày. Khi đó, cơ thể bạn mệt mỏi, bị hạ đường huyết khiến não không thể tập trung, tinh thần không hưng phấn, phản ứng trì trệ.
Không những vậy, mệt mỏi còn có thể khiến tâm trạng trở nên tồi tệ, bạn có thể cực kỳ căng thẳng, cáu kỉnh và khó chịu. Lúc này, bạn sẽ có xu hướng thèm các món ăn nhiều đường để lấy lại năng lượng và từ đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như thừa cân, béo phì, tăng lượng đường trong bất thường.
Bữa ăn sáng rất quan trọng đối với chúng ta, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, tránh tình trạng mệt mỏi - mất tập trung để có được một ngày hoạt động hiệu quả. Vì thế, mọi người không nên bỏ qua bữa sáng. Những ai có thói quen này thì nên bỏ ngay, nếu không sẽ khiến cơ thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khoẻ.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin