Bách khoa sức khỏe

29-11-2018 10:06:04

Hành trình gian nan để có một đứa con

Có không ít ông bố bà mẹ hiện nay quá vất vả, gian nan để có được một đứa con. Câu chuyện dưới đây của vợ chồng chị Trần Thị Ph (Quang Minh, Gia Lộc, Hải Dương) phần nào chia sẻ với những người đang khát khao làm cha mẹ…

Ám ảnh nỗi đau

Tôi 33 tuổi được trải qua 22 năm viên mãn hạnh phúc khi cả gia đình tôi an ấm yêu thương nhau. Còn 11 năm qua tôi sống trong nỗi buồn, lo lắng bởi hai từ hiếm muộn đã chen chân cướp đi niềm kiêu hãnh của gia đình tôi. Tôi biết đến từ này khi anh trai và chị dâu cưới nhau đã hơn năm mà chưa có em bé. Bệnh viện đã kết luận anh có ít tinh trùng. Cả nhà bắt đầu chông chênh, buồn bã. Anh làm được bao nhiêu tiền là đổ vào chạy chữa hết. Nhưng ba năm đi qua, rồi năm năm vẫn chẳng thấy tiến triển gì. Nhiều lần, tôi thấy chị dâu khóc vì anh viết đơn ly hôn. Anh như con ngựa cuồng loạn trên thảo nguyên, muốn chạy mãi để quên đi nỗi buồn của mình. Đôi lúc anh nói “Muốn bứt khỏi vợ để đi lang thang, muốn “vương vãi” con giống của mình nơi nào gieo được lên mầm thì gieo”. Bác sỹ đã đưa ra cho anh chị những phương pháp sinh con theo y học hiện đại nhưng vì nhiều yếu tố mà chưa thể thực hiện.

Chuyện của anh cũng đã trở thành lý do để mẹ chồng ngăn cản cuộc hôn nhân của tôi. Bà nói bố mẹ tôi trước cũng lấy nhau rất lâu mới có con. Đến anh trai tôi cũng lại khó. Tôi thì con gái mà khẳng khiu như cây bàng cuối năm. Nhưng chúng tôi cũng ngang bướng, không chịu xa nhau. Cuối cùng bà nói “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời” nên cắn răng nhận tôi làm dâu. Tuy vậy, cuộc sống mẹ chồng nàng dâu thời nay cũng không quá nặng nề. Chỉ đến khi đợi mãi vợ chồng tôi chưa có con thì bà bắt đầu không ưa tôi ra mặt. Bà cạnh khóe gia đình thông gia ăn ở thế nào mà phúc kém. Bố mẹ tôi ngày càng suy sụp hơn vì chuyện con cái của anh em tôi. Mẹ nhiều lúc ôm tôi mà khóc rằng “kiếp mình có bạc ác hay tội với ai mà bị trời phạt”.

Còn chồng tôi thái độ cũng thay đổi dần dần theo sự chờ đợi. Năm đầu tiên, anh hay hỏi “Em ơi có gì chưa?”. Mỗi lần tôi lắc đầu, anh lại cười “Con chúng ta thông minh lắm, nó biết đến đúng lúc, bố mẹ mới cưới nên nó để cho mình được quấn quýt nhau hơn đấy”. Nhưng rồi năm nhất qua thì chúng tôi không còn cười đùa nữa mà lo lắng mỗi khi “em chưa có gì”. Người xung quanh thấy vợ chồng tôi lâu có con thì cũng thường hỏi han. Không dám nói thật cái khát khao khắc khoải của mình, chúng tôi đều cười trừ “Còn kế hoạch”. Trong nhiều cuộc nhậu, những người bạn ngoa ngoắt thường không tiếc lời giễu chồng tôi rằng “Sao mày để nó lép mãi thế!”. Thế là anh lại về “đá thúng đụng nia”, cấm cẳn.

Mẹ chồng tôi càng già càng mê tín, năng lên chùa cầu khấn, tuần rằm đều ăn chay nằm đất. Bà cũng thường thăm hỏi những bài thuốc dân gian và mang về cho tôi uống. Có lần nghe tin ông lang trên Thái Nguyên, bà bắt chồng tôi thuê người dẫn đường lên tận nơi. Nhưng tôi vẫn chỉ là “con cá rô đực” ở bên chồng. Mỗi khi thấy bà sang nhà hàng xóm bồng bế trẻ con thì lòng tôi quặn thắt. Tủi thân hơn là thỉnh thoảng tình cũ của chồng tôi mang con về thăm bố mẹ đẻ ngay sát nhà chồng tôi. Mẹ chồng tôi xúm lại nựng nịu. Có lần bà buông lời rằng “Nếu cháu làm con dâu bác thì có lẽ giờ bác đã có cháu nội rồi”. Có những buổi trưa, nghỉ trong nhà, tôi lại nghe bà ru đứa cháu ngoại rằng “Cây độc không trái, gái độc không con”. Những lúc ấy, tôi chỉ muốn mình có thể chết đi, hoặc thời gian ở cơ quan cứ dài mãi để tôi khỏi về nhà. Không những thế, bà còn nghe ai đó mách rằng vợ chồng tôi phải nhận con nuôi thì mới sinh con được. Trớ trêu bà cứ muốn chúng tôi đến xin nhận đứa con của người yêu cũ của anh nhưng chồng tôi cũng không chịu. Không khí gia đình nặng nề, u ám.

Đến lúc này, tôi nói chồng cùng lên Hà Nội khám nhưng khổ một nỗi anh khăng khăng khẳng định: “Anh khỏe mạnh thì làm sao được. Em cứ vỗ béo vào thì mình sẽ có thôi.”. Lời anh nói cứa sâu vào tim, như quy chụp nguyên nhân đều tại tôi. Căn nhà thiếu tiếng trẻ con càng trở nên lạnh lẽo, mất sinh khí, thiếu hy vọng.

Hanh trinh gian nan de co mot dua con

Ảnh minh họa

Hành trình gian nan

Rất nhiều lần lựa lời, chồng tôi mới đồng ý khăn gói lên Hà Nội khám bệnh. Tôi nhớ như in cái cảm giác lần đầu tiên vào khám hiếm muộn. Chúng tôi vừa ngại ngùng vừa bỡ ngỡ nhất là khi cô y tá đưa cho chồng tôi cái lọ nhỏ chỉ dẫn vào phòng lấy tinh trùng. Với anh đó là việc làm xấu hổ và khó khăn. Anh e ngại quay ra nhưng tôi đã phải khóc lóc, van xin, anh mới chịu vào phòng “tự sướng”. Còn tôi được chỉ dẫn sang phòng siêu âm tử cung, buồng trứng.

Lúc chờ đợi bác sỹ gọi từng cặp vợ chồng vào để giảng giải, nhìn tinh dịch đồ thì tim tôi đập loạn xạ, gương mặt anh căng thẳng. Trong đầu tôi trực chờ lời phán xét của bác sỹ; tại tôi, tại anh hay cả hai, chúng tôi có khả năng chữa trị thế nào… Nếu không may tôi vô sinh, hay anh vô sinh thì sao, chúng tôi có còn là một gia đình? Tại tôi thì có lẽ điều đầu tiên tôi làm là viết một tờ đơn ly hôn, tại anh ư, tôi có dám rời khỏi căn nhà của chúng tôi để thực hiện khát khao làm mẹ… Rất nhiều giả thiết cứ lởn vởn trong đầu cho đến khi chúng tôi đối diện với bác sỹ. Câu trấn an đầu tiên chúng tôi nhận về đó là “Tình hình của anh chị không quá ngại”, sau đó bác sỹ đưa ra bảng tinh dịch đồ và kết quả siêu âm của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi biết tới khái niệm tinh dịch đồ. Theo đó thì lượng tinh trùng của chồng tôi chỉ đạt 40 triệu/ml, lượng tinh trùng di động ít. Nghe tin này, chồng tôi đã choáng váng, bởi cái ý nghĩ cố hữu “anh cao to, khỏe mạnh thế cơ mà”. Còn kết quả siêu âm, xét nghiệm của tôi cho hay một bên vòi trứng bị tắc. Bác sỹ đưa ra giải pháp thụ tinh nhân tạo (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), dặn dò vợ chồng tôi quy trình, theo dõi kỳ kinh để tiến hành.

Kết luận của bác sỹ gây cú sốc lớn, suốt đường về chúng tôi im lặng. Mẹ chồng tôi thì sốt sắng đứng đợi. “Nguyên nhân làm sao, tại ai?”, vừa hỏi bà vừa săm soi tôi. Khi biết rõ ràng thì bà choáng, có lẽ mẹ tôi vẫn không bao giờ tin con trai mình lại “có vấn đề”. Nhưng từ đó bà bớt cau có với tôi hơn. Một “hội nghị” cả gia đình chồng đã diễn ra để sắp xếp thời gian cho chúng tôi lên lại Hà Nội tiến hành thụ tinh nhân tạo.

Vợ chồng tôi xin nghỉ không lương một thời gian, tập trung cho con cái. Trong suốt thời gian điều trị, chúng tôi ở trong một căn nhà thuê, tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của bác sỹ. Qua quy trình lọc rửa tinh trùng, chọc hút trứng, tôi được dẫn vào phòng bơm tinh trùng. Sau khi bơm tinh trùng xong, tôi được yêu cầu nằm yên, kê mông lên gối 15-20 phút. Khoảng thời gian đó khiến tôi mơ màng đến tiếng khóc trẻ thơ văng vẳng bên tai. Trong tôi tự thì thầm những lời nói với đứa con tương lai “Bố mẹ đã chờ con lâu lắm rồi. Con yêu, xin con hãy đến, mẹ kiệt sức vì đợi chờ đấy”. Và 14 ngày sau là khoảng thời gian chúng tôi chờ đợi xét nghiệm xem sinh linh bé bỏng đã đặt chân tới bụng tôi chưa. 14 ngày ấy dài dằng dặc trong cuộc đời tôi, ngày nào mẹ chồng cũng gọi lên hỏi han. Chồng tôi thì làm hết mọi việc, không cho tôi đụng vào thứ gì từ giặt quần áo, rửa bát.

Nhưng kết quả thử thai sau 14 ngày lại âm tính. Tôi òa khóc, không cần biết xung quanh ai đang đứng. Vậy là thiên thần nhỏ đã không đến “gõ cửa” nhà tôi. Hai vợ chồng lếch thếch về quê, khuôn mặt mẹ tôi dài thườn thượt. Bà ốm mấy ngày không ăn uống.

Suy nghĩ chán nản, khiến tôi không còn muốn ăn uống, chăm lo gì cho bản thân nữa. Hai vợ chồng bắt đầu hay xích mích hơn. Anh thì hay cáu bẳn hơn, tôi hay tủi thân dễ khóc. Đôi khi, thấy chồng sơ suất gì thì tôi lại suy diễn anh đã chán vì mãi tôi không sinh được con.

Chị gái chồng tôi gọi về mách hai em vào Tp. HCM thử lại lần nữa. Nghe mang máng khoảng chi phí, mẹ tôi đã giật mình. Nhưng của cải chắt chiu thì có thể làm ra, con cái mới khó có. Mẹ chồng tôi thì đinh ninh “Có phải bán nửa cái nhà này đi, thì mẹ vẫn đồng ý, bố con dưới suối vàng cũng đồng ý. Chỉ cần hai đứa mang về tiếng trẻ thơ”. Chúng tôi lại quyết tâm bay vào Tp. HCM. Lời đầu tiên tôi nhận được từ bác sỹ sau khi kể về quá trình chữa trị của mình là: “Tâm lý nặng nề, sức khỏe càng không tốt thì càng khó thêm hy vọng. Chiến đấu với sự thật, tạo cho mình một niềm tin là điều không đơn giản nhưng tinh thần không thoải mái thì tỷ lệ thành công càng thấp”.

Lần thứ hai này, chúng tôi tiến hành dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Lại thực hiện một quy trình nghiêm ngặt từ kích thích trứng, siêu âm theo dõi, lấy tinh trùng, chọc hút trứng, thụ tinh trong ống nghiệm, cấy phôi vào tử cung, lại đợi 14 ngày để thử thai. Cái thời khắc đợi kết quả thử sau 14 ngày, lần thứ hai này tôi tự dưng thấy hồi hộp, không hoang mang như trước. Dường như bản năng của người đàn bà đã mách bảo tôi. Đến khi bác sỹ nói kết quả dương tính thì chồng tôi nhảy tưng tưng trước mặt mọi người. Anh ôm tôi, nước mắt hai vợ chồng trào ra. Anh đưa tay nắm chặt tay bác sỹ và cô y tá bên cạnh, cảm ơn rối rít. Mẹ chồng tôi được thông báo thì cứ giữ máy điện thoại mà nói: “Ơn trời, ơn trời, các con ạ!”. Bà sang ngay nhà thông gia để chia sẻ cái tin vui không đừng được này.

Hanh trinh gian nan de co mot dua con

Ảnh minh họa

Đón nhận món quà vô giá

Chị gái chồng còn xin chuyển công tác nhàn nhã hơn để “tình nguyện” chăm em dâu đến lúc sinh. Những ngày tháng đó, tất cả tình yêu đều đổ dồn về tôi và đứa con sắp chào đời. Tôi cảm giác mình mang thai không chỉ chín tháng mười ngày mà là mấy năm, thời gian đợi chờ dài lê thê, hồi hộp. Trong thời gian đó, tôi đã có không ít bạn bè cùng chia sẻ khi cùng điều trị. Một cặp vợ chồng ở Đồng Nai đã mấy lần thụ tinh nhưng vẫn không được, tiền đi mà con không về. Anh chị nói “Phải bỏ tất cả gia sản kếch sù để có đứa con, anh chị cũng chịu nhưng trời không thương”.

Lại có một cặp khác, vợ bị tắc vòi trứng nên đã 5 năm mà chưa có con, chữa trị nhiều cũng chưa ổn, chị đã nói với tôi: “Đợi thêm 5 năm nữa, trông chờ số trời, không được thì chị ly hôn”. Nhưng anh chồng nhất quyết: “Chúng ta có thể nhận con nuôi, chứ cớ gì em đòi ly hôn”. Thế là bao quần áo sơ sinh chị mua cho đứa con tương lai thì cho tôi hết: “Cho chị nhận làm mẹ đỡ đầu nhé!”.

Ơn trời, giai đoạn thai kỳ của tôi diễn ra suôn sẻ. Ngày đứa bé sắp chào đời, mẹ chồng “bay” vào Tp. HCM chầu trực để được đón lót tay cháu nội. Trong chếnh choáng lúc mệt mỏi của kỳ vượt cạn, tôi nghe tiếng chồng mình kêu to: “Tôi được làm bố rồi!”. Lúc đó tôi mới thấy mình đang sống, đời sống của một người đàn bà trọn vẹn, đủ đầy.

Đứa bé ra đời là chứng nhân vĩ đại rằng tôi là người đàn bà đúng nghĩa, chồng tôi là một người đàn ông thực sự. Đứa con ra đời sau bao khó khăn, tốn kém đã chứng minh tình yêu của chúng tôi. Được làm cha mẹ, đó là điều lớn lao nhất trong kiếp trần gian này, đứa con là tài sản lớn nhất, vô giá mà trời đã ban tặng cho chúng tôi. Còn mẹ và chồng tôi vốn rất sạch sẽ hay sợ bẩn nhưng bây giờ dù cháu có tè, có ị bà cũng chẳng nề hà, đôi khi còn nựng nịu “Nước đái của thằng giống bà cũng thơm”. Nghe bà gọi là “con” thay cho từ “mày”, rồi nằm bên cạnh, chỉ dạy tôi từng tí thì tôi muốn bật khóc.

Ngày cả nhà tôi đưa bé về quê, họ hàng, láng giềng đều sang thăm chúc mừng, nhộn nhịp. Chồng tôi đi làm trở lại, nhưng cứ một giờ đồng hồ lại nhắn tin hỏi thằng cu thế nào. Bố mẹ đẻ, mẹ chồng và tất cả họ hàng quân quần bên mẹ con tôi. Tôi biết rằng những ngày hạnh phúc đang mở ra trong cuộc đời mình…

La Giang

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dịch vụ kế toán thuế