Bách khoa sức khỏe

25-05-2015 15:09:39

Mua kính giá rẻ, mua luôn… họa vào thân

Nhiều người chủ quan mua những chiếc kính thời trang, giá rẻ trên thị trường để tránh bụi, tránh nắng mà không biết rằng, đeo một chiếc kính râm bạn cũng cần phải đo mắt để có được chiếc kính phù hợp, không gây hại cho mắt. Nhiều trường hợp đã phải nhập viện vì mắt có vấn đề.

Kính giá rẻ được ưa chuộng

Theo Bách Khoa Sức Khỏe, hiện nay trên thị trường, mặt hàng kính râm giá rẻ rất phổ biến. Trên các tuyến phố lớn của Hà Nội như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Đại lộ Thăng Long, Giải Phóng, Nguyễn Trãi… Còn ở Sài Gòn thì có các tuyến đường Lý Chính Thắng - Trương Định, Kỳ Đồng, Hồ Xuân Hương, Trần Quang Diệu, Điện Biên Phủ (Q.3)…

Người đi đường không khó để mua được một chiếc kính râm với giá chỉ 15.000-30.000đ, đắt hơn chút là từ 50.000đ đến khoảng trên dưới 100.000đ ghé ngay tại các sạp hàng ở vỉa hè. Với mức thu nhập không cao thì mặt hàng che nắng, che bụi với mức giá như vậy có vẻ rất lý tưởng với nhiều người. Và nhìn mật độ những sạp hàng kính rong mọc lên ngày càng nhiều đủ thấy sức tiêu thụ của nó như thế nào.

Trao đổi với Bách Khoa Sức Khỏe, bạn Nguyễn Vy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trước đây em dùng loại kính 25.000 đồng/ cái bán ở vỉa hè, nhưng bây giờ đã nâng cấp lên 50.000 đồng/ cái rồi cũng mua ở các hàng ven đường. Em thấy đúng là đắt hơn chút thì dùng tốt hơn chút. Mùa hè nắng chói chang, không có kính ra đường khó nhìn lắm, mà Hà Nội lại bụi như vậy. Do không có nhiều tiền nên em đành mua kính rẻ thôi. Em chọn kính trước tiên là phải đen, thứ đến là rẻ, còn chất lượng thì… kính rẻ lấy đâu mà chất lượng tốt được. Khi đeo kính em thỉnh thoảng cũng thấy nhức mắt, mỏi mắt, em cũng đoán là do kính rẻ tiền nên chất lượng không tốt em đeo mới bị thế, nhưng không có tiền đổi kính nên đành kệ. Em cũng chỉ đeo kính khi ra đường thôi nên chắc không ảnh hưởng gì nhiều tới mắt đâu”.

Trần Văn Thuận (xe ôm, Sài Gòn): “Trong này nắng, bụi dữ vậy, mà chú thì phải chạy ngoài đường suốt ngày nên lúc nào cũng phải có cái kính râm nhìn cho đỡ chói và đỡ bụi. Kính râm bán rẻ hều à, vô tiệm mua mới mắc chớ các sạp bên đường có mấy chục ngàn một cái. Kính giá rẻ thì chắc không tốt bằng kính mắc tiền rồi, nhưng mình không có nhiều tiền thì dùng loại này cũng được, mua ít bữa nó hư thì đổi cái khác. Chú cũng thỉnh thoảng bị nhức mắt, cũng đoán là kính giá bèo nên đeo mới thế, nên lúc nào nhức chú lại bỏ ra, không sao hết”.

Không nên tự chọn kính

Khi chúng tôi đem vấn đề kính mắt giá rẻ đến hỏi BS. Đặng Văn Quế (Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế), bác sĩ Quế cho biết: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kính, có loại rất đắt, có loại rất rẻ. Quan trọng với các nhà nhãn khoa không phải là kính đắt hay rẻ, mà vấn đề là kính đó có hợp với mắt hay không. Mắt kính chỉ có giá trị khi được đo đúng độ với mắt của bạn. Còn về gọng kính chỉ là vấn đề thẩm mỹ và đi theo khuôn mặt.

Với nhiều người khi đi mua kính râm họ mới chỉ nghĩ đến việc đeo để cho đẹp, hay đeo chắn bụi, tránh chói nắng, họ không quan trọng việc đo mắt, hay đa số mọi người đều chưa biết rằng, ngay cả khi họ không bị các tật khúc xạ về mắt, mắt họ bình thường và họ chọn một chiếc kính râm để đi nắng thì họ cũng cần phải được đo mắt để chọn một chiếc kính mát phù hợp với mắt của họ.

Ngay tại Bệnh viện Mắt Quốc tế, bác sĩ Quế cũng từng chữa cho một bệnh nhân nữ trẻ tuổi gặp vấn đề về mắt do dùng kính râm không phù hợp. Bệnh nhân cũng mua kính râm ở vỉa hè, đeo sau 3 tháng thì thường bị mỏi mắt, đau đầu thậm chí buồn nôn. Lúc đầu không biết bệnh nhân này đi khám rất nhiều nơi, cứ nghĩ mình bị viêm xoang, hay thiếu máu não, rồi đi khám thần kinh… nhưng đều không phải. Nhưng cứ đeo kính một thời gian ngắn lại có tình trạng trên. Đến khi đến đây mới biết là do dùng kính không phù hợp. Mắt của bệnh nhân lúc chưa đeo kính là 10/10 nhưng đến lúc kiểm tra thì chỉ còn 7/10. Theo bác sí thì tình trạng này gặp nhiều ở lứa tuổi thanh thiếu niên do mắt chưa ổn định, những người trung tuổi mắt đã ổn định hơn thì ít ảnh hưởng hơn nhưng nếu sử dụng về lâu dài vẫn gây hại cho mắt.

Theo bác sĩ Quế thì việc họ không đo mắt mà cứ tự lựa một chiếc kính trắng, hay kính râm mình thích là không hề tốt. Những chiếc kính giá rẻ được bán ở ven đường thường là làm từ nhựa plasstic, độ trong suốt, đồng đều của loại nhựa này không giống nhau. Thứ hai là đưa lên kính hiển vi để xác định rõ thì người ta thấy những lớp vằn như những lớp sóng biển, đây chính là lý do gây hại mắt. Có thể là mắt thường nhìn không rõ, nhưng về lâu dài đeo kính thế sẽ gây ra tình trạng nhức mắt, mỏi mắt. Hơn nữa loại kính này rất dễ bị xước, lúc đó chẳng khác nào trước mặt đeo một tấm mạng thì không nên.

Nếu đeo một chiếc kính không đảm bảo có thể gây ra những rối loạn thị lực, mỏi mắt, đau đầu, có thể khiến mắt từ bình thường có thể thành cận thị, viễn thị hay loạn thị… Những người được đo mắt nhưng ở các cơ sở không đảm bảo đã vậy, những người mua kính ở chợ, ở ven đường không hề được đo khám, không biết tình trạng mắt của mình như thế nào mà chỉ chọn kính hú họa thì càng nguy hiểm hơn.

Lựa chọn kính tốt

Theo bác sĩ Quế: Một chiếc kính tốt là chiếc kính đeo vào thấy sáng, có thể nhìn rõ, chi tiết các vật thể. Đeo lâu cũng không gây ra tình trạng mỏi mắt, đau đầu.

Các loại kính trắng, kính râm bán trên thị trường đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của mọi người, ngoài ra nó còn có chức năng bảo hộ để giảm khói bụi ở ngoài đường. Muốn thực hiện được chức năng bảo hộ này thì về hình thức kính phải ôm kín vào mắt, nếu không chức năng bảo hộ sẽ giảm đi.

Bên cạnh đó, về chất lượng, kính đeo phải đúng số kể cả đeo kính râm cũng nên đi đo mắt, chống trầy xước và chống tia tử ngoại. Thông thường những kính có giá thành thấp không đáp ứng đủ những tiêu chí ấy. Ví dụ như có người mua loại kính đấy, ban đầu thấy nó là tốt, nhưng đeo lâu họ cảm thấy mắt mờ, thậm chí nhức đầu, đó là do rối loạn nội tiết khúc xạ.

Vì vậy, theo bác sĩ Quế, khi mua kính người dùng cần được kiểm tra thị lực, kiểm tra trình trạng của mắt tại các cơ sở nhãn khoa. Trên cơ sở đó người dùng sẽ mua được kính đảm bảo, phù hợp với mắt. Tuy nhiên, có một số nơi đo thấu kính tốt nhưng việc mài lắp kính chưa đảm bảo.

Ví dụ như khoảng cách đồng tử, có người hẹp khoảng 56, 58mm, cũng có người rộng, 62, 63, hay 64mm. Nếu như người ta đo khoảng cách đồng tử không chính xác, hoặc khi đo chính xác rồi nhưng người mài lắp kính không lấy được đúng tâm của kính thì nhìn sẽ kém, có thể một bên mờ, hoặc có thể cả hai bên cũng mờ gây ảnh hưởng đến mắt, dần dần mắt sẽ hỏng.

Lê Hường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dịch vụ trọn gói