Bách khoa sức khỏe

25-05-2015 15:09:07

Bắt bệnh “ruồi bay”

Thật khó chịu khi cứ có con ruồi lửng lơ trước mắt mà không thể làm gì được. Đó không chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường ở tuổi già, mà có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm về mắt.

Hình minh họa

“Ruồi bay” mà chẳng phải ruồi bay

“Con dẫn mẹ đi khám mắt đi. Dạo này mẹ thấy khó chịu lắm! Cứ như có con ruồi bay lơ lửng trước mắt. Muốn bắt hay xua đi cũng không được, vướng víu quá!”. Bà Trần Thị Thanh (65 tuổi, Long Biên, Hà Nội) nói với con trai. Anh Phúc thấy mẹ nói thế thì cũng lo. Mẹ anh bị viễn thị mấy năm rồi, phải đeo kính khi đọc sách báo hay xem tivi. Tuy bà không kêu đau nhức mắt nhưng lại rất khó chịu vì “cứ có con gì lởn vởn trước mắt, hay là mẹ bị ảo giác?”

Trở về từ bệnh viện Mắt, mẹ con anh Phúc mới thở phào nhẹ nhõm vì bác sỹ kết luận hiện tượng của bà Thanh chỉ là hiện tượng sinh lý, không đáng lo ngại. Và nhờ phát hiện sớm nên không gặp khó khăn trong điều trị cũng như không gây ảnh hưởng nhiều đến mắt.

Theo Bách Khoa Sức Khỏe, có đến trên 50% người cao tuổi có cảm giác ruồi bay trước mắt. Hiện tượng này giống như các vật nổi di chuyển trong môi trường thị lực có hình dạng, kích thước khác nhau (hình chấm, mạng nhện…) và có màu sẫm, y học gọi là “cảm giác ruồi bay”.

Nhìn bề ngoài, mắt có vẻ hoàn toàn bình thường, nhưng người bệnh thường thấy trước mắt hiện lên hình của một số vật đen di động. Người thì tả là “như có con nòng nọc con đang bơi”, người thì thấy “có con ruồi bay”, hay “có dải bồ hóng chập chờn”…

Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân nói rằng khi ra trời nắng, hoặc nếu nhìn vào bức tường trắng thì hiện tượng càng rõ hơn. Nếu “ruồi bay” do sinh lý thì không làm giảm thị lực, chỉ gây ra cảm giác căng thẳng, khó chịu khiến bệnh nhân bực bội.

Truy tìm thủ phạm

Trao đổi với Bách Khoa Sức Khỏe, BS Đặng Văn Quế (PGĐ Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội) cho biết, hiện tượng “ruồi bay” là một bệnh lý ở mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi do dịch kính trong mắt bị vẩn đục gây nên. Dịch kính là một loại chất nhầy trong suốt nằm ở phía sau của thể thủy tinh, thành phần gồm chất protein và acid hyaluronic; tham gia vào hệ thống quang học của mắt. Trong các trường hợp suy nhược cơ thể, có bệnh lý ở mắt, dịch kính sẽ bị vẩn đục. Chỉ với một chấm đục nhỏ lơ lửng trong buồng dịch kính sẽ được phóng đại lên nhiều lần và thị giác sẽ cho thấy hình ảnh “ruồi bay”.

Ở người cao tuổi, bệnh có thể do lão hóa thủy tinh thể, được nói đến nhiều nhất là thoái hóa hoàng điểm (điểm vàng). Trường hợp của bà Thanh nêu trên là hiện tượng vẩn đục sinh lý thông thường do lão hóa. Trong cấu tạo mắt, nhãn cầu giống như một quả bóng tròn mà bên trong chứa đầy dịch lỏng sóng sánh, người ta gọi là pha lê thể. Bản chất nguyên thủy của pha lê thể là trong suốt như lòng trắng trứng gà, nhưng vì lão hóa nên khi có ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào sẽ tạo nên bóng mờ, vẩn đục.

Vết đục này có thể do bệnh lý, cũng có thể là do sinh lý. Nguyên nhân gây ra vết đục sinh lý là do tổ chức sợi của pha lê thể hoặc lớp màng sau pha lê thể bong ra. Bình thường “màng sau pha lê thể” bám sát vào võng mạc, nhưng trong một số trường hợp, nó bị bong ra phía trước tạo nên vẩn đục có hình vòng tròn.

“Ruồi bay” bệnh lý thường có nguyên nhân từ các bệnh ở mắt làm cho dịch kính bị vẩn đục như: xuất huyết dịch kính tự phát hay do chấn thương; bệnh nhiễm tinh bột (Amyloidosis), nhiễm cholesterol, bệnh dịch kính võng mạc xuất tiết di truyền, vẩn đục dịch kính hình sao, viêm màng bồ đào, nhiễm ký sinh trùng như bệnh toxocara và bệnh ấu trùng sán lợn...

Như vậy, vẩn đục dịch kính chỉ là triệu chứng của nhiều bệnh mắt chứ không phải là bệnh đục dịch kính.

Xử lý như thế nào?

Bách Khoa Sức Khỏe khuyên rằng, với những người có hiện tượng này, việc đầu tiên là cần đến chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán và điều trị đúng. Cần xác định được “ruồi bay” là do vẩn đục sinh lý thông thường hay là triệu chứng ban đầu của những bệnh lý khác về mắt.

“Ruồi bay” sinh lý

Nếu chỉ đơn giản là “ruồi bay” sinh lý thì có thể coi đây là loại bệnh không cần chữa trị cũng được, giống như người ta khi nhiều tuổi thì răng sẽ yếu, tóc sẽ bạc, không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần xác định là việc sử dụng thuốc nhỏ mắt, uống thuốc không thể làm “con ruồi” biến mất. Những trường hợp quá trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt có thể dùng phẫu thuật để loại bỏ.

Bệnh lý “ruồi bay” do sinh lý, nếu vẩn đục ít, sau một thời gian có thể giảm đi một chút, có người thì tăng lên và kéo dài liên tục. Nhưng điểm quan trọng nhất của “ruồi bay” thông thường là không dẫn tới giảm thị lực.

Ruồi không bay

Nếu “ruồi không bay” mà “ruồi chỉ đậu một chỗ” và chỉ di chuyển theo hướng liếc mắt thì đó là dấu hiệu của bệnh liên quan đến giác mạc hoặc đục thủy tinh thể.

Một trong những căn bệnh được nhắc đến đó là bong giác mạc. Khi trên võng mạc có lỗ rách hoặc vết rách lớn thì sinh ra hiện tượng ruồi bay. Có bệnh nhân còn thấy ánh sáng nhấp nháy hay tia chớp sáng. Nếu chủ quan, không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, lỗ rách sẽ trở thành nguyên nhân gây bong võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa.

Một căn bệnh khác cũng xuất hiện “ruồi bay” đó là pha lê thể bị xuất huyết, viêm nhiễm. Khi mắt bị viêm nhiễm hoặc bị xuất huyết thì “ruồi” xuất hiện. Căn bệnh này thường gặp ở những người cao huyết áp hoặc tiểu đường.

Hải Đăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dich vu cong ty