Bách khoa sức khỏe
27-01-2016 11:00:00
Ngày rét đậm, uống loại trà này cơ thể phát nhiệt từ bên trong
Khi mùa đông đến, ít ai biết rằng, một số loại trà có công thức đơn giản cũng sở hữu công dụng giữ ấm vô cùng hữu hiệu.
- Bật mí 3 loại Teatox đang khiến các sao nữ "điên đảo"
- Uống nước ép bí đỏ sống: bổ gan, bổ mắt, bổ tim
Trên thực tế, việc bồi bổ trong mùa đông không cần quá cầu kỳ, chỉ cần sử dụng các loại dược liệu có tác dụng tăng tuần hoàn máu, bổ khí bổ huyết là có thể bài trừ hàn khí.
Mỗi ngày uống từ 600 ml đến 800 ml trà làm từ những thành phần này vừa có công dụng điều dưỡng, gia tăng lượng nước hấp thụ vào cơ thể, đồng thời cũng là phương pháp giữ ấm hiệu nghiệm.
Theo quan điểm của triết học, tâm lý học và Y học cổ truyền phương Đông, việc phân định thể chất của con người là hàn tính hay nhiệt tính có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Bởi lẽ, chỉ có trên cơ sở hiểu rõ thể chất của mình là hàn hay nhiệt, người ta mới có thể lựa chọn môi trường sống, thay đổi điều kiện sinh hoạt và ăn uống, thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực bệnh tật... một cách hợp lý và có hiệu quả.
Do đó, thể chất khác nhau sẽ không thể dùng các loại trà phát nhiệt giống nhau. Vì vậy, các công thức trà giữ ấm trong mùa đông dưới đây sẽ căn cứ theo hai loại thể trạng trên.
Dấu hiệu của người mang thể trạng hàn tính
- Sợ lạnh, bị lạnh tay chân.
- Thường xuyên hắt hơi, nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi và các bệnh khác do mũi mẫn cảm. Những chứng bệnh này thường xuất hiện khi tiếp xúc với không khí lạnh (có thể do thời tiết hoặc điều hòa nhiệt độ).
- Dễ bị cảm mạo, hen suyễn.
- Sắc mặt tái nhợt, không có thần sắc, hay mệt mỏi, giọng nói thều thào, tim đập nhanh, thường xuyên váng đầu.
- Mắc chứng đau dạ dày. Các cơn đau này có thể thuyên giảm khi chườm nóng hoặc xoa bóp.
- Thường đi đại tiện dễ dàng do phân lỏng, dễ mắc tiêu chảy nếu ăn đồ lạnh, nguội, sống.
- Khó tiêu, ăn không ngon.
- Mắc chứng tiểu tiện hoặc đái dắt, thường xuyên bị đau lưng. Xuất hiện đau bụng kinh, huyết trắng, phù nề tiền kinh nguyệt ở nữ giới.
Trà giữ ấm dành cho người mang thể trạng hàn tính: Trà nhân sâm long nhãn
Công thức: 7,5g sâm Cao Ly + 5,6g quế chi + 7,5g long nhãn + 3 miếng gừng già.
Công dụng:
- Nhân sâm vị ngọt, tính nóng, có công dụng làm ấm, bổ sung nguyên khí, tăng cường sức đề kháng, cải thiện tuần hoàn máu, giảm chứng lạnh tay chân.
- Gừng vị cay, tính nóng, giúp giữ ấm, loại bỏ hàn khí trong cơ thể, khiến người ra mồ hôi, làm ấm bụng, bổ phổ. Gừng trong gia vị cũng có công dụng tăng cường tuần hoàn máu, nâng cao trao đổi chất, giữ ấm và giảm béo.
Dấu hiệu của người mang thể trạng nhiệt tính
- Tính cách cáu kỉnh, khó đối diện với áp lực.
- Thích ăn đồ rán, đồ nướng, thức ăn cay.
- Dễ đổ mồ hôi, ưa lạnh, thích ăn lạnh.
- Miệng khô, lưỡi khô, hơi thở có mùi khó chịu, buổi sáng thường bị đắng miệng, hay mắc chứng nhiệt miệng.
- Nóng người, hay bị đau đầu, nhức mắt, ban đêm dễ ngủ.
- Hay bị mụn trứng cá, mụn mủ, đỏ mặt, da đầu và da mặt có nhiều dầu.
- Gặp các vấn đề về bài tiết như táo bón, trĩ, đi đại tiện ra máu…
- Xuất hiện hội chứng tiền kinh nguyệt, dễ nhiễm trùng âm đạo ở nữ giới.
Trà giữ ấm cho người mang thể chất nhiệt tính: Trà táo đỏ, hà thủ ô
Công thức: 7,5g sâm Nhật Bản + 7,5g hà thủ ô + 2 quả táo tàu bỏ hạt + 3 miếng gừng non.
Công dụng:
- Nhân sâm có rất nhiều chủng loại đa dạng, dù đều là thứ “đại bổ” nhưng cũng có sự khác nhau về tính chất, công dụng.
Theo đó, sâm Cao Ly có tính nóng, thích hợp với người mang thể trạng hàn tính. Ngược lại, sâm Mỹ, sâm Nhật có tính lạnh, hợp với những người có thể trạng nhiệt tính.
- Táo đỏ vị ngọt, giúp bổ khí, kiện tỳ, an thần, khiến cho khí sắc hồng nhuận. Hà thủ ô vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ máu, bổ gan, tốt cho thận, nhuận tràng…
- Bên cạnh đó, những người nhiệt tính cũng nên dùng gừng non. Đều có tác dụng giữ ấm, nhưng gừng non dịu và ôn hòa hơn so với gừng già.
Theo Trí Thức Trẻ