Bách khoa sức khỏe

18-09-2018 10:00:00

Tai biến do bất đồng nhóm máu

Là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tai biến nguy hiểm trong truyền máu và thai sản, nhưng những kiến thức về bất đồng nhóm máu dường như vẫn khá xa lạ.

Những phụ nữ nhóm máu B lấy chồng nhóm máu A, B hoặc AB có lẽ không mấy ai nghĩ rằng con họ có thể gặp rắc rối. Và tất nhiên, phần đông vẫn còn khá mơ hồ với các khái niệm về hệ nhóm máu Rh. Trên thực tế, những bất đồng ở hệ nhóm máu này tuy hiếm gặp nhưng lại không lường hết được những biến chứng của nó. Đó chính là lý do chúng tôi thực hiện bài viết này với nỗ lực làm rõ hơn tất cả những điều vừa nêu trên một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.

Tai bien do bat dong nhom mau

Trên màng hồng cầu của người, người ta đã tìm ra khoảng 30 kháng nguyên thường gặp và hàng trăm kháng nguyên hiếm gặp khác. Hầu hết những kháng nguyên này thường được dùng để nghiên cứu di truyền, miễn dịch và quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, có hai nhóm kháng nguyên đặc biệt quan trọng có thể gây phản ứng trong truyền máu và thai sản. Đó là hệ thống kháng nguyên ABO và Rh.

Phản ứng khi truyền máu

+ Hệ nhóm máu ABO

Hệ nhóm máu ABO do gen quy định. Trong hệ nhóm máu này có 2 loại kháng nguyên A và B nằm trên màng hồng cầu. Ngoài ra, trong huyết tương còn có 2 loại là kháng thể kháng A và kháng thể kháng B. Trong đó, kháng thể kháng A có khả năng làm ngưng kết kháng nguyên A, tương tự, kháng thể kháng B có khả năng làm ngưng kết kháng nguyên B.

Kiểu hình của hệ nhóm máu ABO có 4 loại chính: nhóm máu A, B, O, AB; mỗi người trong chúng ta thuộc 1 trong 4 loại nhóm máu trên. Nhóm máu O có thể truyền cho tất cả mà chỉ nhận mình O. Các nhóm máu còn lại có thể nhận được máu cùng nhóm và O nhưng chỉ truyền cho chính nhóm máu đó mà thôi.

Liên quan đến sự hình thành kháng nguyên A, B còn có kháng nguyên H. Vì vậy, người nhóm máu O có kháng thể kháng H có thể bị tai biến khi truyền nhóm máu O có kháng nguyên H (ở Việt Nam hiếm gặp loại nhóm máu O có kháng thể kháng H). Khi truyền nhầm nhóm máu, phản ứng truyền máu có thể xảy ra, trong đó, hồng cầu của máu người cho bị ngưng kết bởi kháng thể người nhận.

Các hồng cầu ngưng kết thành từng đám gây tắc mạch, tan máu, sốc nặng, suy thận cấp dẫn đến tử vong.

+ Nhóm máu Rh (Rhesus)

Cơ sở di truyền nhóm máu Rh là đa gen – đa allen, trong đó gen quy định kháng nguyên D là quan trọng nhất. Những người mang kháng nguyên D được gọi là Rh dương (Rh+), những người không mang kháng nguyên D được gọi là Rh âm (Rh-). Khác với hệ ABO, người Rh- không có sẵn kháng thể kháng Rh.

Vì vậy, đối với những người có Rh- trong lần đầu tiên được truyền máu Rh+ hầu như không xảy ra tai biến. Tuy nhiên, cơ thể người này bắt đầu sản xuất kháng thể kháng Rh. Nồng độ kháng thể sẽ đạt tối đa chỉ sau 2-4 tháng nhận máu. Khi truyền máu có Rh+ lần thứ hai sẽ gây ra phản ứng, các hồng cầu truyền vào bị ngưng kết gây ra sốc truyền máu. Những lần truyền máu có Rh+ càng về sau càng gây phản ứng mạnh hơn.

Để tránh các tai biến truyền máu, việc truyền máu phải được thực hiện ở các cơ sở y tế và tuân thủ theo các quy định về truyền máu.

Tai bien do bat dong nhom mau

Tai biến trong sản khoa

Màng rau thai là nhịp cầu nối cung cấp nguồn dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sang thai nhi, nhưng cũng qua đây, các kháng thể miễn dịch bất lợi từ cơ thể mẹ có thể truyền sang cho con gây nên những tai biến khó lường.

Đối với hệ nhóm máu ABO: Những tai biến thường gặp đối với mẹ có nhóm máu O và thai có nhóm máu A hoặc B (thông thường là khi lấy chồng nhóm máu A, B hoặc AB). Một số người nhóm máu O khi mang thai, người mẹ có thể đã được truyền máu từ trước, hồng cầu có kháng nguyên A hoặc B vào mẹ, từ đó mẹ sinh ra các kháng thể miễn dịch kháng A và kháng B. Các kháng thể này có khả năng qua được rau thai vào máu của thai gây nên hiện tượng ngưng kết hồng cầu, tan máu làm sảy thai…

Đối với nhóm máu Rh: Tai biến xảy ra đối với những phụ nữ có Rh- lấy chồng có Rh+. Khi có thai, thai nhi có thể có Rh- hoặc Rh+. Nếu thai có Rh+, trong lúc sinh, hồng cầu của thai có thể qua rau thai vào cơ thể mẹ. Khi đó, cơ thể mẹ sẽ sản xuất ra kháng thể chống lại yếu tố Rh (anti-D), kháng thể này tồn tại trong cơ thể mẹ khoảng vài năm. Nếu trước đó người mẹ chưa bao giờ nhận máu của người có Rh+ thì lần mang thai đầu tiên không có biến chứng về máu nào xảy ra, em bé sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh.

Tuy nhiên, trong trường hợp người mẹ đã từng nhận máu của người có Rh+ hoặc mang thai đứa con thứ hai trở đi mà thai cũng có Rh+ thì biến chứng sẽ xảy ra. Các kháng thể anti-D trong máu mẹ đi qua rau thai vào máu bào thai làm cho hồng cầu bào thai ngưng kết gây thiếu máu, tan máu ở bào thai. Hậu quả là sảy thai, thai chết lưu hoặc đứa trẻ sinh ra bị thiếu máu, tan máu… Nếu không được truyền máu thay thế, trẻ sơ sinh sẽ bị bệnh vàng da, thậm chí sẽ chết do thiếu ôxy.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ người có Rh- ở Việt Nam rất nhỏ (chỉ 0,08%) trong khi con số này ở người da trắng là 15%, do đó những tai biến vì không hoà hợp nhóm máu có Rh rất hiếm gặp. Và nguy cơ tai biến thai sản có thể được khắc phục nếu trong vòng 72 giờ sau khi sinh đứa con đầu có Rh+, người mẹ được tiêm kháng thể anti-D. Kháng thể này sẽ phản ứng với những hồng cầu Rh+ của bào thai đi vào máu mẹ, hạn chế sự sản xuất kháng thể ở người mẹ và không gây nguy hiểm cho những thai có Rh+ tiếp theo.

Thực tế tại Viện Phụ sản Trung Ương, hầu hết những trường hợp bất đồng nhóm máu có Rh đều không hề biết trước, chỉ đến khi xảy ra những biến chứng thai nghén, thai phụ và gia đình hết sức ngỡ ngàng. Ở Việt Nam, việc kiểm tra nhóm máu trước khi kết hôn hay có ý định sinh con hiện nay chưa phổ biến. Chính vì thế, họ không lường trước được những hậu quả nếu có bất đồng nhóm máu để chủ động phòng tránh hiệu quả.

Trong khi đó, việc xét nghiệm yếu tố Rh trong máu cho thai phụ và em bé chưa được triển khai đồng bộ ở các bệnh viện phụ sản, nên việc tiêm kháng thể anti-D thường không được thực hiện kịp thời trong thời gian quy định. Do đó, đối với những người sắp lập gia đình thì đi khám sức khoẻ định kì, xác định nhóm máu để có phương án đề phòng những tai biến từ bất đồng nhóm máu là việc làm hết sức cần thiết.

* (Bài viết có sự tư vấn của PGS.TS Trần Thị Thanh Hương - Chủ nhiệm Bộ môn Y - Sinh học Di truyền, Trường ĐH Y Hà Nội)

Hồng Minh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dich vu ke toan