Bách khoa sức khỏe
16-03-2021 08:00:00
Uống rượu hay tắm nước lạnh… đó đều là những việc không bao giờ nên làm khi bị sốt
Tình trạng sốt là khi nhiệt độ cơ thể trên 37 độ C, là một dấu hiệu phổ biến cho các vấn đề về sức khỏe. Đây là một dấu hiệu cảnh báo của nhiều tình trạng sức khỏe như bệnh cúm thông thường hay nguy hiểm hơn là COVID-19.
- Cách phân biệt dấu hiệu nhiễm virus corona và cảm, sốt thông thường
- 12 cách hạ sốt cho trẻ nhỏ nhanh chóng và an toàn tại nhà, không cần dùng đến thuốc
- Sốt xuất huyết và những cách phòng chống khẩn cấp
- Khi bị sốt nên và không nên ăn gì để tránh nguy hiểm?
- 20 cách HẠ SỐT cho trẻ hiệu quả không cần dùng thuốc
Cho dù nguồn cơn gây ra sốt là gì, khi bị sốt, bạn cần lưu ý những việc sau đây:
1. Không uống rượu, soda và đồ uống có chứa caffein
Các bác sĩ cho biết, bạn nên tránh uống rượu, soda và đồ uống có chứa caffein khi bị sốt. Điều này là bởi chúng có thể gây ra tình trạng mất nước đúng lúc cơ thể cần nhất.
Đồ uống có cồn có thể gây ra tình trạng mất nước, đặc biệt không nên uống khi bị sốt. |
2. Không ở nơi có nhiệt độ cao
Bạn cũng đừng mặc quá nhiều quần áo hoặc đặt mình ở nơi quá nóng. Nhiệt độ bên ngoài cao có thể làm rối loạn quá trình điều nhiệt của cơ thể và khiến cho cơn sốt trở nên tồi tệ hơn.
3. Không sử dụng quá liều thuốc hạ sốt
Sử dụng quá liều lượng khuyến cáo các loại thuốc hạ sốt có nguy cơ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho gan và thậm chí tử vong. Hãy làm theo lời dặn của bác sĩ hoặc hướng dẫn trên bao bì một cách cẩn thận.
4. Không để đói
Sốt làm tăng tốc độ trao đổi chất trong cơ thể và bạn thậm chí còn cần nhiều calo hơn. Bên cạnh đó, tình trạng đói có thể làm tê liệt hệ thống miễn dịch khiến bạn càng yếu hơn.
5. Đừng quên uống nước
Sốt cũng sẽ làm tăng nhịp hô hấp và do đó dẫn đến mất nước. Việc đổ mồ hôi cũng xảy ra khi bị sốt để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Thêm vào đó, lượng nước hấp thụ thường giảm xuống khi bị sốt, điều này cuối cùng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước.
Do vậy, điều quan trọng là bạn phải giữ choc ơ thể luôn đủ nước. Lượng nước được khuyến nghị hàng ngày đối với nam giới là khoảng 3 lít và đối với phụ nữ là hơn 2 lít một chút.
6. Không để thiếu ngủ
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể cần tiêu tốn nhiều năng lượng để chống lại nhiễm trùng. Khi ngủ, cơ thể có thời gian để phục hồi năng lượng đã mất đó. Bạn hãy ngủ đủ bảy đến chín giờ mỗi đêm để đảm bảo cho cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe.
7. Không tắm nước lạnh
Mặc dù tắm nước lạnh có thể giúp bạn làm giảm nhiệt độ cơ thể trong thời gian ngắn, nhưng nó sẽ dẫn đến tình trạng run rẩy.
Tắm nước lạnh có thể giúp bạn làm giảm nhiệt độ cơ thể trong thời gian ngắn, nhưng nó sẽ dẫn đến tình trạng run rẩy. |
Các bác sĩ cho biết, cơ bắp run lên để tăng nhiệt độ cơ thể đến điểm mới do vùng dưới đồi thiết lập. Việc tắm nước lạnh gây ra rất nhiều khó chịu và sẽ khiến các cơ run lên, đồng thời làm tăng nguy cơ chuột rút khi cơ thể cố tăng nhiệt độ trở lại.
Thay vào đó, bạn nên tắm bằng bọt biển với nước ấm. Cơ thể sẽ bắt đầu hạ nhiệt khi nước bay hơi. Hãy ngừng tắm hoặc tăng nhiệt độ của nước nếu bạn bắt đầu rùng mình.
8. Đừng tự động dùng thuốc để giảm sốt
Các bác sĩ cho biết, sốt là một triệu chứng chứ không phải bệnh. Đó là phản ứng của cơ thể để chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Nếu bạn cảm thấy thoải mái với nhiệt độ cơ thể từ 38,3 độ C trở lên, tốt hơn là không nên dùng thuốc để giảm nhiệt độ. Khi đó, bạn đang chống lại chính nỗ lực của cơ thể nhằm ngăn chặn sự phát triển của virus hoặc vi khuẩn.
Khi bị sốt, cơ thể đang phản ứng để chống lại một sự nhiễm trùng, nhiễm khuẩn hoặc một vấn đề sức khỏe nào đó. Vì thế, chúng ta nên lưu ý những điều trên để cơn sốt không trở nên quá nghiêm trọng.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin