Bách khoa sức khỏe

07-08-2018 09:34:14

Thực đơn tốt dành riêng cho người CAO HUYẾT ÁP

Bệnh nhân cao huyết áp cần có chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát huyết áp ở ngưỡng ổn định, tránh dẫn tới các biến chứng khó lường gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Thế nào là huyết áp cao?

Huyết áp được xác định dựa trên áp lực máu tác động lên thành mạch. Áp lực máu cụ thể được xác định dựa trên hai lực khi tâm thu và khi tâm trương.

Lực thứ nhất tạo ra là khi tim co bóp tạo áp lực đẩy máu từ tim đi nuôi cơ thể qua các mạch máu và mao mạch. Lực thứ hai là khi tim nghỉ cách giữa các nhịp đập. Huyết áp được đo ở cả hai lực nói trên.

Thuc don tot danh rieng cho nguoi CAO HUYET AP

Huyết áp cao là căn bệnh phổ biến nhiều người mắc phải

Cụ thể, ở người bình thường trưởng thành, chỉ số huyết áp ổn định là 120 mmHg khi tâm thu và 80mm Hg khi tâm trương. Bệnh nhân được xem là huyết áp cao khi huyết áp tối đa >135 mm Hg, huyết áp tối thiểu > 86mm Hg.

Khi phát hiện bệnh cao huyết áp, người bệnh cần thay đổi các thói quen sinh hoạt, ăn uống và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nhằm ổn định huyết áp và tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho người cao huyết áp

Nếu bạn bị cao huyết áp, mỗi ngày chỉ nên sử dụng những loại thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng như sau:

- Chất đạm 60-70g.

- Chất béo (nên dùng dầu thực vật như dầu đậu nành, đậu phộng, mè, ô liu, hướng dương…) 25-30g.

- Chất bột đường 300-320g.

- Muối ăn (kể cả bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm…) không quá 6g

- Chất xơ từ rau, củ, quả 30-40g (300-500g rau).

Thực đơn an toàn cho người cao huyết áp nên có thịt nạc (tốt nhất là thịt cá), dầu thực vật và phong phú các loại rau xanh, củ, quả, hạt.

Nên tránh hoặc hạn chế các thức ăn giàu cholesterol, quá ngọt, quá béo, quá mặn.

Tốt nhất không ăn các món ăn chế biến từ nội tạng động vật, thực phẩm đóng hộp, các loại giăm bông, thịt nguội, da của gia súc, gia cầm, các sản phẩm làm từ sữa béo, sô-cô-la, khoai tây chiên.

Hạn chế ăn một số thủy hải sản (tôm đồng, tôm biển, cua biển, mực…).

Bệnh nhân cao huyết áp không nên hấp thụ quá 250mg cholesterol từ thực phẩm trong một ngày.

Nếu người bệnh cao huyết áp có biến chứng suy tim, suy chức năng thận, tai biến mạch máu não, cần phải tuân thủ chế độ kiêng muối (1-4 g/ngày), có sự theo dõi chặt của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người bệnh cần hạn chế tối đa các loại uống chứa cồn và chất kích thích như rượu, bia, cà phê bởi chúng chứa chất làm tăng huyết áp.

Một số loại trà có tác dụng tốt với cơ thể, nhưng không nên uống nhiều và không nên uống vào buổi tối để tránh gây mất ngủ, khiến huyết áp tăng cao.

Ngoài ra, một số thức ăn có nguyên liệu là cam thảo, nhân sâm, huỳnh kỳ, nhục quế, đại hồi, đinh hương… cũng không có lợi cho người bệnh cao huyết áp.

Thuc don tot danh rieng cho nguoi CAO HUYET AP

Bệnh nhân huyết áp cao cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng

Những loại thực phẩm tốt cho người cao huyết áp

- Cần tây:

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy rằng nước ép cần tây có tác dụng làm giãn mạch, lợi niệu và giúp hạ huyết áp rất hiệu quả.

Bạn có thể dùng cần tây tươi, rửa thật sạch, giã nát rồi ép lấy nước (nếu có máy ép thì càng tốt). Chế thêm một chút mật ong, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 40ml rất tốt cho việc ổn định huyết áp.

- Cải cúc:

Đây là loại rau thông dụng, có hương thơm đặc biệt, chứa nhiều axit amin và tinh dầu, có tác dụng làm thanh sáng đầu óc và hạ huyết áp.

Bạn nên dùng làm rau ăn hàng ngày hoặc ép lấy nước cốt uống, mỗi ngày chừng 50ml, chia 2 lần sáng, chiều. Đặc biệt, cải cúc thích hợp với những người bị cao huyết áp có kèm theo đau và nặng đầu.

- Rau muống:

Trong rau muống chứa hàm lượng cao canxi, rất có lợi cho việc duy trì áp lực thẩm thấu của thành mạch và giữ huyết áp trong giới hạn bình thường.

Theo các chuyên gia, rau muống đặc biệt thích hợp cho những người bị cao huyết áp có kèm theo triệu chứng đau đầu.

- Cà chua:

Loại quả này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can và hạ huyết áp hiệu quả. Trong cà chua chứa rất nhiều vitamin C và P.

Thường xuyên ăn cà chua sẽ giúp phòng tránh huyết áp cao hiệu quả, đặc biệt tốt cho người bệnh có biến chứng xuất huyết đáy mắt.

- Cà tím:

Cà tím là thực phẩm rất giàu vitamin P, giúp cho thành mạch máu được mềm mại, dự phòng tích cực tình trạng rối loạn vi tuần hoàn hay gặp ở những người bị cao huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.

- Cà rốt:

Cà rốt có tác dụng làm mềm thành mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và ổn định huyết áp nên rất tốt cho những người bị cao huyết áp.

Bạn nên dùng cà rốt tươi, rửa sạch, ép lấy nước uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần chừng 50ml sẽ giúp ổn định huyết áp hiệu quả.

- Hành tây:

Trong hành tây không chứa chất béo, có khả năng làm giảm sức cản ngoại vi, duy trì sự ổn định của quá trình bài tiết muối natri trong cơ thể nên làm giảm huyết áp.

Ngoài ra, vỏ hành tây còn chứa nhiều rutin rất có lợi cho việc làm vững bền thành mạch, dự phòng tai biến xuất huyết não.

- Nấm hương và nấm rơm:

Hai loại nấm này là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đồng thời có khả năng phòng chống xơ vữa động mạch và hạ huyết áp.

- Mộc nhĩ:

Mộc nhĩ đen hay mộc nhĩ trắng đều là những thực phẩm rất có lợi cho người bị cao huyết áp.

Bạn có thể dùng mộc nhĩ trắng 10g hoặc mộc nhĩ đen 6g, đem nấu nhừ rồi chế thêm 10g đường phèn ăn trong ngày. Khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt thì đây là loại thức ăn lý tưởng cho bệnh nhân cao huyết áp.

- Tỏi: Gia vị này có công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Người bệnh nên kiên trì ăn đều đặn mỗi ngày 2 tép tỏi sống, hoặc uống 5ml giấm ngâm tỏi sẽ ổn định huyết áp ở mức bình thường.

- Đậu Hà Lan và đậu xanh:

Đây là hai loại thực phẩm rất có lợi cho người bị cao huyết áp. Hàng ngày bạn nên dùng một nắm giá đậu Hà Lan, rửa sạch rồi ép lấy nước uống hoặc dùng làm rau ăn thường xuyên.

Kinh nghiệm dân gian thường dùng đậu xanh hầm với hải đới hoặc đậu xanh và vừng đen sao thơm, tán bột ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 50g để phòng chống cao huyết áp.

- Sữa đậu nành:

Sữa đậu nành là loại đồ uống lý tưởng cho người bị cao huyết áp, có công dụng phòng chống xơ vữa động mạch, điều chỉnh rối loạn lipid máu và hạ huyết áp.

- Táo:

Loại quả này chứa nhiều kali có thể kết hợp với lượng natri dư thừa để đào thải ra bên ngoài, giúp cho cơ thể duy trì huyết áp ở mức bình thường.

Mỗi ngày, bạn nên ăn 3 quả hoặc ép lấy nước uống 3 lần, mỗi lần 50ml.

Một số món ăn tốt cho người cao huyết áp

1. Cần tây xào

Chuẩn bị:

Rau cần tây, thịt bò, tỏi, dầu ăn,gia vị vừa đủ.

Cách làm:

- Thịt bò rửa sạch, thái mỏng.

- Cho chút dầu ăn vào chảo, đun nóng, thêm tỏi vào phi thơm rồi đổ thịt bò vào đảo đều tay. Cuối cùng cho rau cần tây vào đảo đều đến khi chín là được.

2. Rau cần ta xào

Chuẩn bị:

Rau cần ta, thịt lợn hoặc thịt bò, dầu ăn, tỏi gia vị vừa đủ xào.

Cách làm:

- Thịt bò hoặc thịt lợn rửa sạch, thái mỏng.

- Cho chút dầu ăn vào chảo, đun nóng, thêm tỏi vào phi thơm rồi đổ thịt vào đảo đều tay. Cuối cùng cho rau cần ta vào đảo đều đến khi chín là được.

3. Bí đao nấu canh

Chuẩn bị:

Bí đao, thịt vịt hoặc thịt ngan, hành mùi, gia vị vừa đủ hầm nấu canh ăn.

Cách làm:

- Bí đao gọt vỏ, thái miếng vừa ăn.

- Thịt vịt hoặc thịt ngan chặt miềng nhỏ vừa ăn.

- Cho thịt vịt hoặc thịt ngan vào nồi, đảo trên lửa to cho thịt săn lại. Nêm gia vị vừa ăn rồi đổ nước vào đun sôi.

- Khi nước sôi thì cho bí đao vào nồi đun sôi thêm lần nữa đến khi bí đao chín mềm là được. Tắt bếp, thêm chút hành mùi cho thơm.

4. Cháo nghêu gạo lứt

Nguyên liệu:

Nghêu, gạo lứt, hành tím, tỏi, hành lá, rau răm, muối, đường, tiêu, mắm, dầu ăn, gia vị.

Cách làm:

- Nghêu mua về ngâm nước rồi rửa sạch. Gạo lứt ngâm nước để qua đêm. Hành lá và rau răm đem nhặt rửa sạch và cắt nhỏ. Hành tím thái lát mỏng.

- Dầu ăn đun nóng rồi cho hành tím vào phi thơm, vớt để ráo dầu. Nghêu đem luộc chín và vớt thịt ra bát, ướp cùng muối, gia vị, đường, tiêu trong khoảng 20 phút.

- Tỏi phi thơm với dầu ăn rồi cho thêm thịt nghêu đã ướp vào xào săn. Cho nước luộc nghêu vào nồi, gạn bỏ cặn rồi cho gạo lứt đã ngâm vào đun sôi lên.

- Mở nắp vung, thêm nước đun nhỏ lửa đến khi gạo chín mềm thành cháo thì nêm thêm gia vị cho vừa ăn, khuấy đều và tắt bếp. Múc cháo ra to, cho thêm nghêu, hành lá và hành đã phi rồi thưởng thức.

5. Cải bó xôi xào thịt bằm

Nguyên liệu:

Cải bó xôi, tỏi, gia vị, dầu ăn, thịt heo bằm.

Cách làm:

- Tỏi băm nhỏ hoặc đập dập, cải bó xôi cắt ngắn rồi rửa sạch, để ráo. Thịt heo bằm cho vào chén, thêm hạt nêm, muối, tiêu.

- Cho dầu ăn vào chảo, cho tỏi vào phi thơm. Tiếp theo cho thịt heo băm vào xào chín. Sau khi thịt chín thì cho tiếp cải bó xôi vào xào chín thì tắt bếp.

- Cuối cùng múc cải bó xôi xào thịt bằm ra đĩa, làm món mặn ăn với cơm nhé. Hãy luôn nhớ điều chỉnh lượng muối sao cho phù hợp với người cao huyết áp.

6. Nấm nhồi thịt sốt cà

Nguyên liệu:

Nấm đông cô, thịt heo bằm, muối, tiêu, gia vị, cà chua, đường trắng, nước mắm, dầu ăn.

Cách làm:

- Nấm đông cô ngâm nước, cắt bỏ chân, cà chau cắt khúc hoặc cắt thành múi cau.

- Thịt heo bằm cho vào tô cùng muối, hạt nêm, trộn đều. Đầu tiên, nhồi thịt heo bằm vào nấm. Chiên sơ qua nấm nhồi thịt heo bằm với dầu ăn trong chảo.

- Vớt nấm ra, tiếp tục dùng chảo đó, cho dầu ăn, cà chua vào, đảo đều. Nêm gia vị tiêu, bột ngọt, đường trắng, nước mắm cho vừa ăn.

- Cuối cùng, cho nấm nhồi thịt heo bằm vào, đảo đều, nấu thêm 5 phút đến khi sốt ngấm đều. Vẫn là điều chỉnh lượng mặn phù hợp nữa nha.

Canh cải cúc nấu thịt

Nguyên liệu:

Thịt heo bằm, tôm tươi, rau cải cúc, gia vị, tiêu.

Cách làm:

- Tôm bóc vỏ, bỏ đầu và đuôi tôm, băm nhuyễn. Sau đó, trộn tôm, thịt heo bằm cùng hạt nêm, tiêu trong tô. Rau cải cúc nhặt, rửa sạch, để ráo nước.

- Tiếp theo, vo hỗn hợp tôm và thịt thành những viên tròn, nhỏ. Cho viên thịt, tôm vào nồi nước, nấu sôi. Cuối cùng, cho rau tần ô vào. Nêm gia vị muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm cho vừa ăn, nấu thêm 3 phút.

- Múc canh ra tô, dùng nóng. Vị thanh mát, ngọt của tôm, thịt và rau tần ô chắc chắn sẽ làm vừa lòng cả nhà.

Cà tím luộc trộn nước sốt tỏi

Nguyên liệu:

Cà tím, hành lá, rau ngò, mè trắng, tỏi, ớt, nước tương, giấm đen chay, đường trắng, dầu mè.

Cách làm:

- Tỏi băm nhuyễn, ớt cắt nhỏ, cà tím rửa sạch, cắt khúc 3-4 cm rồi chẻ nhỏ vừa ăn, ướp với muối trong khoảng 5 phút.

- Đun nóng dầu ớt với lửa vừa, cho tỏi và ớt vào đảo đều. Thêm vào nước tương, giấm đen, đường, dầu mè, đun sôi với lửa nhỏ. Sau đó tắt lửa, cho ngò rí cắt nhỏ vào trộn đều rồi để nguội.

- Bắc nồi nước sôi, cho cà tím và giấm trắng vào nồi luộc trong khoảng 5 phút thì vớt ra. Cho cà tím luộc ra đĩa, rưới sốt lên, rắc thêm hành lá và mè trắng lên trên là có thể dùng.

Như Quỳnh

Theo tạp chí Sống Khỏe

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

kế toán hà nội