Bách khoa sức khỏe

21-08-2015 17:21:20

Những đối tượng dễ bị mắc bệnh tim mạch nhất

Nhờ các nghiên cứu dựa trên việc theo dõi hàng ngàn bệnh nhân bị tim mạch, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim cao sau đây:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Người bị huyết áp cao

Huyết áp cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Nếu bạn bị béo phì, thường xuyên hút thuốc lá hoặc có mức cholesterol trong máu cao cùng với huyết áp cao thì nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ tăng lên đáng kể.

Huyết áp có thể thay đổi theo trạng thái và tuổi tác, nhưng một người lớn khỏe mạnh đang ở trạng thái nghỉ ngơi thường có huyết áp trên ở khoảng 120-130 và huyết áp huyết áp dưới từ 80-90 hoặc thấp hơn.

Người có lượng cholesterol trong máu cao

Cholesterol là một chất giống như chất béo có trong máu và trong tất cả các tế bào của cơ thể. Gan sản xuất ra tất cả các cholesterol mà cơ thể cần để hình thành các màng tế bào và tạo ra một số hormone. Khi ăn các loại thức ăn từ động vật (thịt, trứng, và các sản phẩm từ sữa) thì lượng cholesterol trong cơ thể sẽ tăng lên và làm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

Mặc dù chúng ta thường cho rằng cholesterol trong thực phẩm làm tăng lượng cholesterol trong máu, nhưng thủ phạm chính lại là chất béo bão hòa trong thực phẩm.

Vì vậy, khi chọn mua thực phẩm, hãy đảm bảo rằng bạn đã đọc nhãn dinh dương cẩn thận. Vì mặc dù một thực phẩm không chứa cholesterol nhưng nó vẫn có thể có một lượng lớn chất béo bão hòa. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa bao gồm các sản phẩm từ sữa, chất béo từ thịt đỏ, và các loại dầu nhiệt đới như dầu dừa.

Người bị đái tháo đường

Vấn đề tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bị đái tháo đường, đặc biệt là ở những người mới bị đái tháo đường hoặc bị đái tháo đường tuýp 2.

Hiệp hội Tim mạch Mỹ ước tính có 65% bệnh nhân đái tháo đường chết vì các bệnh liên quan đến tim mạch. Vì vậy, nếu bạn đang bị đái tháo đường thì nên nhờ chuyên gia y tế tư vấn và chăm sóc bởi vì việc kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể làm giảm bớt rủi ro cho bạn.

Người béo phì và thừa cân

Việc tăng cân sẽ dẫn đến tăng tổng lượng cholesterol, huyết áp cao và tăng nguy cơ bệnh động mạch vành cho bạn. Vì vậy, bạn nên theo dõi trọng lượng cơ thể một cách chặt chẽ. Việc luyện tập thể thao thường xuyên và tuân thủ chế độ ăn khoa học sẽ giúp bạn kiểm soát tốt trọng lượng.

Hút thuốc lá nhiều

Hầu hết mọi người đều biết rằng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, nhưng ít người nhận ra nó cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh mạch máu ngoại vi (bệnh ở các mạch cung cấp máu cho cánh tay và chân). Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ thì có hơn 400.000 người Mỹ chết mỗi năm vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Nhiều người trong số các ca tử vong là do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến tim.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch chính, và có thể tạo ra những bất thường về thời gian giữa các nhịp tim, tất cả điều này làm cho tim hoạt động nhiều hơn bình thường. Hút thuốc cũng làm tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã bị huyết áp cao.

Mặc dù nicotine là thành phần chính trong khói thuốc lá nhưng các hóa chất và hợp chất khác như nhựa thuốc lá và carbon monoxide cũng có hại cho tim của bạn. Các hóa chất này dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch và có thể làm tổn thương thành mạch. Và chúng làm mức cholesterol và fibrinogen (có trong huyết tương) – fibrinogen là một chất làm đông máu. Điều này làm tăng nguy cơ đông máu và có thể dẫn đến một cơn đau tim.

Người lười vận động

Những người ít hoạt động sẽ có nguy cơ đau tim nhiều hơn so với những người thường xuyên tập thể dục. Khi tập thể dục, lượng calo trong cơ thể bạn sẽ bị đốt cháy giúp kiểm soát mức cholesterol, bệnh đái tháo đường và có thể làm giảm huyết áp. Tập thể dục cũng tăng cường cơ tim và làm cho động mạch linh hoạt hơn.

Những người tích cực luyện tập sẽ đốt cháy 500-3.500 calos mỗi tuần. Những người này có thể mong đợi sống lâu hơn những người không tập thể dục. Ngay cả tập thể dục với cường độ vừa phải là hữu ích nếu được thực hiện nó thường xuyên.

Giới tính

Nhìn chung, nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn phụ nữ. Nhưng sự khác biệt thu hẹp sau khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Sau tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh tim là như nhau giữa các giới tính, khi đó họ cùng phải đối mặt với những yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim.

Yếu tố di truyền

Bệnh tim có xu hướng di truyền trong gia đình. Ví dụ, nếu cha mẹ, anh chị, em ruột của bạn có vấn đề về tim mạch hoặc tuần hoàn máu trước tuổi 55, thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh tim lớn hơn những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Các yếu tố nguy cơ (bao gồm huyết áp cao, đái tháo đường và béo phì) cũng có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số hình thức của bệnh tim mạch phổ biến hơn trong số các nhóm chủng tộc và sắc tộc. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người Mỹ gốc Phi có bệnh cao huyết áp nặng hơn và nguy cơ mắc bệnh tim nhiều hơn so với người da trắng.

Phần lớn các nghiên cứu về bệnh tim mạch tập trung vào người dân tộc tiểu số Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha, được so sánh với người da trắng. Và các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch ở nhóm tiểu số khác vẫn đang được nghiên cứu.

Tuổi tác

Tuổi già là một trong những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Trong thực tế, khoảng 4 trong 5 ca tử vong do bệnh tim xảy ra ở người trên 65 tuổi.

Khi con người già đi thì trái tim cũng có xu hướng già đi. Các thành mạch trái tim có thể dày lên, các động mạch có thể cứng lại và tim không thể bơm máu đến các cơ bắp của cơ thể. Bởi vì những thay đổi này, nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên cùng tuổi tác.

Do các hormone giới tính của mình, phụ nữ thường được bảo vệ khỏi bệnh tim cho đến khi mãn kinh, và sau đó nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên có cùng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như những người đàn ông cùng tuổi.

Tỷ lệ % các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim:

- Lười vận động: 53%

- Béo phì: 34%

- Huyết áp cao: 32%

- Hút thuốc lá: 21%

- Mức Cholesterol cao: 15%

- Đái tháo đường: 11%

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dich vu ke toan