Bách khoa sức khỏe

29-01-2016 10:35:36

Lương y Trần Hoàng Bảo "mách" cách phòng tránh đột quỵ trong đợt rét kỷ lục

Theo lương y Trần Hoàng Bảo, trong thời tiết giá lạnh, việc giữ ấm cơ thể là rất cần thiết để phòng tránh đột quỵ. Nếu không có việc gì quá cấp thiết thì không nên ra ngoài đường...

Thời tiết quá lạnh là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ. Vào mùa lạnh, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ thường tăng từ 15% - 30% so với bình thường.

Nửa đêm dậy đi vệ sinh thì đột quỵ

Miền Bắc đang trải qua đợt rét kỷ lục trong hơn 30 năm qua, nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, băng giá và tuyết đã xuất hiện tại nhiều vùng núi cao. Nhiệt độ xuống quá thấp gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch, da… Trong đó, đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một bệnh rất dễ xảy ra trong thời tiết giá lạnh này.

Mấy hôm nay, chị H. (Hà Nội) tất tả trong bệnh viện để lo cho bố chồng mới nhập viện vì đột quỵ. Vợ chồng chị H. sống cùng nhà với bố mẹ chồng. Ông bà ở tầng 2 còn vợ chồng chị ở tầng 3. Ngay trong ngày Hà Nội chuyển lạnh đột ngột, bố chồng chị đã bị đột quỵ.

Chị kể, hôm đó khoảng tầm 1h đêm, vợ chồng chị đang ngủ thì nghe có tiếng gọi lớn hoảng hốt của mẹ chồng. Vội vàng chạy xuống tầng 2 thì đã thấy bố chồng chị đang nằm gục trên nền nhà, da tái nhợt, ú ớ ngọng nghịu. Chồng chị H. vội vàng gọi xe cấp cứu. Trong lúc đợi xe đến thì mẹ chồng chị H. dùng kim chọc vào mười đầu ngón tay của chồng, sơ cứu theo phương pháp dân gian.

“Bố chồng tôi có tiền sử bị cao huyết áp. Tôi có nghe mẹ chồng kể lại thì lúc đó bố tôi dậy đi vệ sinh. Ông cụ vừa đi được vài bước thì đổ uỵch xuống nền nhà”, chị nói.

Giải mã nguyên nhân gây đột quỵ

Lương y Trần Hoàng Bảo cho biết, dân gian thường gọi đột quỵ là bị cảm, trúng gió, còn Đông y gọi chứng bệnh này là trúng phong. Trúng phong là trạng thái đột nhiên bất tỉnh, đồng thời có thể xuất hiện liệt nửa người, miệng méo, nói khó hoặc không nói được… Nguyên nhân có thể là do ngoại phong (gió độc ngoài trời) và nội phong (do âm hư, dương hư, vì hư yếu sinh phong). Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa đông và mùa xuân gặp nhiều hơn.

Các tình huống thường gặp là sau khi uống rượu, tắm đêm thì lăn ra bất tỉnh, người già bị bệnh huyết áp cao, thấp, tiểu đường… nửa đêm tỉnh dậy đi uống nước, đi vệ sinh thì đột nhiên ngã, hôn mê. Những người này rất dễ đối mặt với các biến chứng như méo miệng, liệt nửa người, liệt toàn thân, thậm chí nhiều người tử vong.

Theo Tây y, đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não - hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, gây ra thiếu máu não. Đột quỵ não do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do mạch não bị tắc (mạch máu bị xơ vữa làm lòng mạch hẹp dần và tắc tại chỗ; hay cục máu đông, mảng xơ vữa di chuyển từ những vị trí khác lên động mạch não và gây tắc). Thứ hai là do mạch máu bị vỡ (tăng huyết áp đột ngột, vỡ dị dạng động mạch não).

Đột quỵ là một tai biến thường gặp ở người bệnh tăng huyết áp, huyết áp thấp, tiểu đường, vữa xơ động mạch... Hầu hết các trường hợp đột quỵ não xảy ra một cách đột ngột mà không có triệu chứng báo trước.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc chứng tai biến, trong đó có tới 50% tử vong. Trong số bệnh nhân đột quỵ sống sót, đa số đều mắc các di chứng về vận động mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Cách hữu hiệu phòng tránh đột quỵ trong ngày rét

Theo lương y Trần Hoàng Bảo, trong thời tiết giá lạnh, việc giữ ấm cơ thể là rất cần thiết để phòng tránh đột quỵ. Nếu không có việc gì quá cấp thiết thì không nên ra ngoài đường, đặc biệt là với người già, người có tiền sử huyết áp cao, huyết áp thấp. Khi rời nhà thì nên mặc nhiều lớp quần áo, chất liệu giữ nhiệt, dày dặn, đủ ấm áp. Giữ ấm đặc biệt vùng đầu, cổ, bụng, bàn chân. Tránh ra ngoài vào ban đêm. Nên ngủ trong phòng kín, tránh nơi có gió lùa. Trong lúc đang ngủ, nếu muốn đi vệ sinh thì nên ngồi dậy một lát cho tỉnh táo, ra khỏi giường từ từ chứ không nên đột ngột bước xuống đất ngay.

Theo Đông y, bàn chân là nơi có rất nhiều kinh mạch trọng yếu nên việc giữ ấm bàn chân là điều cực kỳ cần thiết. Để tránh bị đột quỵ trong trời lạnh, nên thường xuyên ngâm chân bằng nước nóng, có thể bỏ thêm một chút muối. Đồng thời áp dụng các phương pháp bấm huyệt, mat-xa... tác động vào các huyệt đạo để điều chỉnh âm dương, khai thông kinh mạch.

Theo thống kê của một số bệnh viện lớn tại Hà Nội, những ngày rét kỷ lục vừa qua đã khiến số người nhập viện tăng cao, trong đó đó có không ít người nhập viện do đột quỵ. Các bác sỹ khuyến cáo, những người mắc các bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, các bệnh mãn tính khác – có nguy cơ đột quỵ cao, cần luôn giữ ấm cơ thể và có các hoạt động thể lực phù hợp. Người già có thói quen tập thể dục buổi sáng vẫn nên tập đều đặn, tuy nhiên nên tập ở nhà, thay vì ra ngoài đường. Tập các bài tập nhẹ nhàng, chú ý khởi động cẩn thận để làm nóng cơ thể trước khi tập.

Người trẻ cũng không nên chủ quan với đột quỵ. Trong những ngày lạnh trời, không nên uống rượu, bia, chất có cồn. Không nên tắm quá thường xuyên, tắm lâu hoặc tắm đêm. Vì tắm trong thời gian quá lâu sẽ khiến da dễ bị mất nước, trở nên khô, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ thiếu ô xy. Não không được cung cấp đủ ô xy để vận hành thì sẽ rất dễ dẫn đến ngất xỉu, đột quỵ bất ngờ. Tốt nhất, chỉ nên tắm từ 10-15 phút mỗi lần. Vào ban đêm, các mạch máu trong cơ thể bị co lại, máu lưu thông kém hơn, tắm đêm sẽ khiến cơ thể có nguy cơ bị nhiễm lạnh, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Theo Congluan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

cty ke toan