Bách khoa sức khỏe
04-12-2015 10:11:04
Bác sĩ phản hồi về việc lấy kim châm 10 đầu ngón tay chữa đột quỵ
Các bác sĩ đều khẳng định, phương pháp châm 10 đầu ngón tay và nặn máu là phương pháp phản khoa học.
- 6 cách dự đoán cơn đột quỵ 1 tháng trước khi nó xảy ra
- “Siêu thực phẩm” ngừa tim mạch, ung thư, đột quỵ
- Hướng dẫn điều trị dự phòng sau đột quỵ
Cứ ngất là châm nát đầu ngón tay
Hai ngày qua, cộng đồng mạng lại được phen mắt tròn, mắt dẹt khi người dân phố cổ Hà Nội cấp cứu cho một ông Tây bị ngất giữa đường. Họ sử dụng phương pháp truyền tai nhau đó là, lấy kim chọc vào 10 đầu ngón tay và ngón chân nặn máu ra. Sau đó, người đàn ông này tỉnh lại và đã không cần đến sự hỗ trợ của y tế.
Trước đó, một nam thanh niên bị ngất giữa đường cũng được mọi người lấy kim châm và cứu được anh ta. Sau đó, phương pháp lấy kim châm 10 đầu ngón tay cấp cứu người đột quỵ được truyền tai nhau. Nhiều người cho rằng, đây là phương pháp bổ ích để cấp cứu người nhà khi có đột quỵ xảy ra.
Anh Nguyễn Văn Nam trú tại Hào Nam, Hà Nội tấm tắc khen phương pháp này. Anh Nam cho biết, đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai vì thế mọi người nên biết cách cấp cứu này để có thể cứu người khác.
Châm vào đầu ngón tay, nặn máu cấp cứu đột quỵ chỉ là lừa bịp |
Tuy nhiên, với các bác sĩ, đây là phương pháp phản khoa học vì đối với đột quỵ không thể cấp cứu, sơ cứu bằng những biện pháp thông thường.
PGS Lê Văn Trường - Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán - Can thiệp tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khi bị đột quỵ có các triệu chứng như không nói được, uống nước không vào, liệt nửa người. Và khi bị đột quỵ, không thể can thiệp bằng các biện pháp sơ cứu như châm vào 10 đầu ngón tay.
Bất kể phương pháp sơ cứu nào với người đột quỵ đều chỉ làm hại họ. Người dân khi gặp người đột quỵ cần đưa đến bệnh viện cấp cứu gần nhất, càng bệnh viện lớn càng tốt.
Chỉ là động kinh
Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những trường hợp mà mọi người chia sẻ trên mạng về cách nặn đầu ngón tay, chân để cấp cứu đột quỵ không phải là bệnh nhân đột quỵ. Ông cho rằng, những trường hợp trên có thể bị động kinh.
Diễn biến bình thường của cơn động kinh là ngất, co quắp chân tay hoặc không co giật và bệnh nhân sẽ tự tỉnh dậy. Chỉ cần người sơ cứu cố gắng đặt bệnh nhân nằm nghiêng, không cho bệnh nhân bị sặc vào phổi.
Châm kim và nặn máu lên 10 đầu ngón tay không có tác dụng trong cấp cứu và điều trị đột quỵ khi bệnh nhân ở trạng thái không tiếp xúc (không phải là hôn mê, và cộng đồng vẫn lầm tưởng là đột quỵ) do Hysteria. Và thường có thêm tăng thông khí (thở nhanh) gây kiềm hô hấp dẫn tới hạ canxi máu (dấu hiệu co quắp bàn tay)... Phương pháp này chỉ có tác dụng như là một liệu pháp tâm lý.
Trong trường hợp Hysteria, không chỉ có châm kim và nặn máu, chỉ một tác động tâm lý làm bệnh nhân yên tâm hơn và bình tĩnh lại. Ví dụ, tiêm bắp bằng nước cất và tiêm thật đau cũng có thể khiến bệnh nhân tỉnh, thở chậm lại và hết co quắp bàn tay.
Với trường hợp của ông Tây được cấp cứu ở chợ Hàng Da ngày 7/11 vừa qua, bác sĩ Chính cũng khẳng định, có thể do động kinh nên sau khi tỉnh lại bệnh nhân đã tự đi, không cần can thiệp của y tế. Hoặc hiện tượng ngất xảy ra là do tập luyện, hồi hộp trống ngực, những bất thường của tim, bệnh nhân có tiền sử ngất tái phát...
Ngoài ra, bác sĩ Chính phỏng đoán, có thể đó là một cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua thường được gọi là “đột quỵ nhỏ”. Tuy nhiên, về bản chất, nói một cách chính xác hơn, nó có những đặc điểm của một “đột quỵ cảnh báo”.
Hầu hết cơn thiếu máu não thoáng qua kéo dài ít hơn 5 phút, trung bình là khoảng 1 phút. Khi cơn thiếu máu não thoáng qua kết thúc, nó thường không để lại tổn thương vĩnh viễn nào đối với não.
Theo Phunuonline