Bách khoa sức khỏe

21-09-2018 11:00:00

Ăn óc: Bổ não hay thêm đau đầu?

Ăn óc bổ óc để thông minh, giảm đau đầu là niềm tin truyền miệng khiến rất nhiều người Việt chuộng món óc động vật.

An oc: Bo nao hay them dau dau?

Có phải “ăn gì bổ nấy”?

Theo con niệm của nhiều người, “ăn gì bổ nấy” nên ăn óc sẽ bổ óc và óc của động vật càng quý thì càng được đề cao. Do đó, trong khi nhiều người phương Tây chỉ chọn ăn phần thịt, lườn thì người Việt lại giành cho người bề trên, người đáng kính đầu gà (chứa óc gà), óc lợn, óc bò… đặc biệt óc khỉ.

Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Từ Liêm, Hà Nội thường nghe các bà nội chợ kháo nhau rằng, muốn con được thông minh thì thường xuyên mua óc động vật về hấp cách thủy cho con ăn. Cũng chính vì thế, chị cũng làm theo, nhất là mỗi khi con vào mùa thi.

Còn với bác Nguyễn Đức Viết, Đống Đa, Hà Nội, óc lợn gần đây trở thành món ăn bài thuốc. Bác bị đau nửa đầu, nghe hàng xóm khuyên nên mua óc lợn về để tẩm bổ có thể khỏi bệnh. Nghe thế, cứ cách ngày, bác Viết lại hầm óc cách thủy một lần. Tuy nhiên sau một thời gian, chứng bệnh của bác càng nặng hơn. Đi khám, bác sỹ kết luận huyết áp tăng lên rất nhiều. Sau khi hỏi về chế độ ăn uống, sinh hoạt của bác, bác sỹ yêu cầu bác cần chấm dứt ngay việc ăn óc lợn vì đây chính là nguyên nhân khiến bệnh của bác ngày càng nặng hơn.

Nhận định vấn đề này, Lương y Cao Thế Hải, Phó chủ tịch Hội Đông y Hà Nội khẳng định: “Đây là quan niệm không đúng vì không có cơ sở khoa học. Quan niệm ăn óc sẽ thông minh hay ăn óc để chữa bệnh đau đầu như hai trường hợp trên là hoàn toàn sai lầm”.

Ông Hải phân tích, óc động vật cũng như tất cả các thực phẩm khác, sau khi qua hệ thống tiêu hóa đều được biến đổi thành những thành phần dinh dưỡng nhỏ nhất để hấp thu, rồi được cơ thể sử dụng theo nhu cầu. Việc ăn uống không phải chỉ là ăn gì bổ nấy mà còn là sự cân bằng về dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi. Một đứa trẻ thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Di truyền, phương pháp nuôi dưỡng, dạy dỗ chứ không phải ăn óc trẻ sẽ thông minh.

Trên thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng đã nghiên cứu và chứng minh, hầu hết não động vật có chứa hàm lượng cholesterol rất cao. Một số tạp chí y khoa của Mỹ, Trung Quốc đưa ra kết quả nghiên cứu cholestrol trên não một số động vật cho thấy cholesterol trong não lợn cao hơn 30 lần so với thịt của chúng (cứ 100gr não lợn có tới 2.195mg cholesterol).

Do đó, nếu ăn 100gr não lợn thì lượng cholesterol đã cao gấp 7 lần nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Nếu ăn thường xuyên, lượng cholesterol sẽ tăng vọt là nguyên nhân gây ra các bệnh: Xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa (mỡ máu, tăng acid uric), tăng huyết áp, tim mạch dẫn đến chứng đau đầu.

Ngoài ra, lương y Hải cũng nhấn mạnh thêm ăn nhiều óc cũng là nguyên nhân thúc đẩy viêm tụy, túi mật cấp và sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thần kinh trung ương và thần kinh thực vật, thúc đẩy và tăng nguy cơ tăng huyết áp, nhiễm mỡ nội tạng, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…

An oc: Bo nao hay them dau dau?

Muốn tốt thì đừng ham

Sách của Tuệ Tĩnh-Nam dược thần hiệu có ghi: Não heo gọi là trư não, có vị ngọt, tính hàn, hơi có độc nên ăn nhiều không tốt. Nhưng sách Lĩnh Nam bản thảo của Hải Thượng Lãn Ông viết: “Trư não tục gọi là óc lợn. Ngọt, lạnh, có độc, chớ ăn nhiều. Chữa âm sang, chữa phong đầu choáng, nhọt sưng đau ngầm”. Trên internet hiện nay cũng lưu truyền một số bài thuốc kết hợp giữa óc với một vài vị thuốc khác để trị đau đầu.

Giải đáp thắc mắc này, lương y Hải nói rằng: Trong Đông y, óc động vật không chỉ là một món ăn mà còn là vị thuốc nếu kết hợp với một số cây thuốc trong các bài thuốc cổ truyền. Tuy nhiên nếu muốn sử dụng có hiệu quả cần phải dùng đúng cách, đúng người và đúng bệnh. Tuy nhiên không phải cứ ăn nhiều là tốt.

Ông Hải cho biết, ở góc độ Đông y, việc kết hợp óc động vật với các cây thuốc cũng phải phù hợp với từng bệnh nhân, theo đó, phải có sự chẩn đoán của lương y, bác sỹ để họ phân tích thể trạng, tình hình bệnh tật của từng người mà có các sự kết hợp tương xứng. Nếu sử dụng một cách “vô tội vạ” sẽ gây tác dụng ngược.

Ông Hải cũng nói rằng trong y thư cổ cũng nói nếu ăn quá nhiều não động vật có thể “phát phong, sinh nhiệt”. Khi một bài thuốc kết hợp giữa óc với các vị khác đã được người có chuyên môn đưa ra, cũng không nên áp dụng cho mọi đối tượng. “Có thể bài thuốc này tốt cho người này nhưng lại không tốt cho người kia, do đó mọi người không nên nghe truyền miệng hoặc tìm hiểu trên mạng xã hội mà tự bài chế thuốc cho bản thân”. Cùng một chứng bệnh, nhưng thể trạng của mỗi người sẽ thích hợp với một bài thuốc khác nhau.

Anh Chiến

Theo tạp chí Sống Khỏe

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dịch vụ làm sổ sách kế toán