Bách khoa sức khỏe

15-01-2016 11:36:17

Ung thư đại tràng vì trong ruột chứa đầy "vật" này mà không biết

Polyp đại tràng là một trong những nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng, xảy ra cả ở người trẻ, người già và có yếu tố di truyền trong gia đình.

Polyp bám đu ruột

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội vừa cấp cứu cho chị Nguyễn Thị Thảo (trú tại Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, gần đây chị bị đi ngoài ra máu.

Lúc đầu, chị Thảo còn tưởng đó là trĩ vì trước đó chị đã điều trị trĩ nội. Chị tự mua thuốc thực phẩm chức năng về uống nhưng càng uống càng không đỡ.

Khi đau bụng không chịu đựng được nữa chị mới đến bệnh viện khám, qua nội soi bác sĩ phát hiện ở đại tràng của chị có một khối polyp khủng.

Kích thước lên đến 2,5 - 3 cm. Các bác sĩ đã phải nội soi cắt khối polyp này. Sau đó sinh thiết để tầm soát ung thư. Rất may mắn, khối polyp chưa bị K hóa.

Cháu Bùi Lan Hương (10 tuổi, ở Yên Hòa, Yên Môn, Ninh Bình) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán đa polyp trực tràng.

Theo lời chị Nguyễn Thị Mai khoảng 1năm trước, cháu Hương bắt đầu xuất hiện triệu chứng chán ăn, hay bị đau bụng âm ỉ và sút cân không rõ nguyên nhân.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành nội soi tiêu hóa và phát hiện cháu Hương bị polyp hồi tràng và đa polyp đại trực tràng. Nội soi đại tràng cho thấy hồi tràng có polyp kích thước 0,6 cm. Dọc đại trực tràng có nhiều polyp cuống to kích thước 0,5 - 3 cm.

Đây là một trường hợp tương đối đặc biệt. Bệnh nhân có nhiều polyp to nên khó thực hiện và chi phí tốn kém, gia đình cháu lại rất khó khăn. Tuy nhiên, để kịp thời cứu chữa cho cháu, các bác sỹ đã tích cực tìm nguồn tài trợ và tiến hành cắt các polyp qua nội soi.

Nếu không xử lý kịp thời, các polyp sẽ tiếp tục phát triển to dần, khiến cháu bé ngày càng còi cọc, sụt cân và không thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

Hơn nữa, nếu để lâu sẽ dẫn đến các nguy cơ khác như rối loạn tiêu hoá kiểu ỉa chảy, chảy máu tiêu hóa, thậm chí có thể bị ung thư hóa.

Bệnh nhân có nhiều polyp cuống to nên sợ nhất là vấn đề cầm máu trong khi làm thủ thuật. Các bác sỹ đã phải dùng 06 kẹp clip và 02 thòng lọng endoloop để cầm máu cho bệnh nhân.

Polyp trực tràng có thể gây ung thư

Theo bác sĩ chuyên khoa I Vũ Huy Hiền – Phó trưởng khoa phụ trách khoa Thăm dò chức năng của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Hà Nội cho biết, polyp tiêu hóa chủ yếu là polyp ở đại tràng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư đại tràng.

Triệu chứng của bệnh polyp thường không có gì đặc biệt. Một số trường hợp có đi ngoài ra máu, rối loạn phân, đau bụng thường khi kích thước polyp to và có biến chứng chảy máu, tắc ruột, nếu lớn có nguy cơ ung thư hóa.

Polyp chia làm hai loại là polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản thường không bao giờ thành ung thư nhưng polyp tuyến thì có tỉ lệ thành ung thư đại trực tràng cao, chủ yếu ung thư đại tràng là ung thư biểu mô tuyến.

Bệnh nhân bị polyp cần được theo dõi và nếu polyp to bác sĩ sẽ cắt. Bình thường, polyp tuyến càng lớn thì tỉ lệ ung thư hóa càng cao. Khoảng 20% những polyp tuyến có kích thước > 1cm trở thành ung thư.

Chính vì vậy khi cắt polyp tuyến đại tràng cũng là một cách nhằm loại trừ sớm nguy cơ ung thư.

Bác sĩ Hiền khuyến cáo bệnh nhân nên nội soi định kỳ để theo dõi polyp tiêu hóa. Đặc biệt khi gia đình và người thân có người bị polyp hoặc ung thư đại - trực tràng.

Vấn đề khó khăn trong điều trị polyp đường tiêu hóa là, đôi khi khó phân biệt được polyp tăng sản hay polyp tuyến có tiềm năng hóa ác qua việc nội soi đường tiêu hóa.

Do đó, người bệnh cần được thăm khám qua nội soi đường tiêu hóa nhằm phát hiện sớm polyp tuyến, giảm tỉ lệ ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại – trực tràng nói riêng.

Theo Trí Thức Trẻ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dịch vụ kế toán hà nội