Bách khoa sức khỏe

15-05-2018 09:23:37

Bệnh tiêu chảy cấp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tiêu chảy cấp là căn bệnh nguy hiểm có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài nhiều lần trong ngày (từ 3 lần trở lên), phân lỏng hoặc nước khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức trong một đến vài ngày và không kéo dài quá 2 tuần.

Mặc dù là căn bệnh phổ biến và nhiều người mắc phải, song không thể chủ quan với các biểu hiện của bệnh, bởi nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời, có thể dẫn tới tình trạng cơ thể mất nước, trụytim mạch, thậm chí là tử vong.

1. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là căn bệnh gây ra bởi các loại vi khuẩn, virus và kí sinh trùng khác nhau như vi trùng tả, thương hàn, kiết lỵ; các loại virus đường ruột như rotavirus, entenovirus; do ký sinh trùng đường ruột…

Benh tieu chay cap: nguyen nhan, trieu chung va cach dieu tri

Có nhều loại vi khuẩn gây ra tình trạng tiêu chảy cấp

Con đường lây lan bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu là qua ăn uống. Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh do ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là những thực phẩm như mắm tôm, mắm tép, rau sống, hải sản sống, tiết canh, trái cây, thức ăn không được vệ sinh sạch sẽ, thức ăn bị ô nhiễm do ruồi, muỗi...

Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiêu chảy cấp dễ dàng bùng phát thành bệnh.

Ngoài thực phẩm không đảm bảo thì các dụng cụ chế biến thức ăn không sạch sẽ, thói quen không rửa tay trước khi ăn hay môi trường sống kém vệ sinh cũng khiến con người dễ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Mầm bệnh tiêu chảy cấp có trong chất thải của người bệnh, các động vật sống dưới nước, động vật phù du...

Mầm bệnh có thể tồn tại trong thời gian rất dài bên ngoài môi trường, từ 4-47 ngày trong nước biển, 4-40 ngày trong nước máy, 3-30 ngày trong giếng khơi, ao hồ, 17-19 ngày trong nước sông, 25 tuần trong đất.

Khi mầm bệnh xâm nhập vào các thực phẩm như cá, cua, hàu nó có thể tồn tại đến 40 ngày. Đặc biệt, chúng sống tốt trong bánh mì, mắm tôm, mắm tép, nem chua, nem chạo tới hàng tuần.

Benh tieu chay cap: nguyen nhan, trieu chung va cach dieu tri

Ăn uống không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp

Chính vì thế nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp rất cao, không phân biệt lứa tuổi. Dù người lớn hay trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh nếu không có các biện pháp vệ sinh và phòng tránh đúng cách.

2. Các triệu chứng lâm sàng khi bị tiêu chảy cấp

Đi ngoài nhiều lần trong ngày:

Người mắc tiêu chảy cấp có biểu hiện đi ngoài liên tục. Số lần đại tiện trong ngày có thể từ 3 lần đến hàng chục lần tùy vào tình trạng bệnh.

Nếu tiêu chảy phân nước lỏng đục nhiều, không có dấu hiệu sốt và đau bụng thì cần nghi ngờ do nhiễm khuẩn tả.

Đi ngoài phân nát hoặc có màu khác biệt:

Nếu mắc tiêu chảy cấp, người bệnh sẽ có hiện tượng đi ngoài phân nát hoặc phân lỏng, có màu đen. Nếu phân kèm theo máu là một triệu chứng khá nguy hiểm của bệnh.

Đau bụng, buồn nôn:

Người mắc bệnh còn có các triệu chứng đau bụng dữ dội, thôi thúc muốn đại tiện. Bụng sẽ giảm đau sau mỗi lần đi ngoài. Kèm theo tình trạng buồn nôn và nôn liên tục dẫn tới cơ thể mất nước.

Sốt cao:

Bệnh nhân tiêu chảy cấp thường có biểu hiện sốt cao từ 38-39 độ C. Thân nhiệt của người bệnh không ổn định, lúc nóng, lúc lạnh. Trong trường hợp này nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời có thể dẫn tới bất tỉnh hoặc hôn mê.

Mất nước nhiều:

Do tình trạng đi ngoài liên tục và nôn nên người bị tiêu chảy thường mất rất nhiều nước. Do đó, bệnh nhân sẽ có biểu hiện khát nước, niêm mạc mắt khô, da đàn khồi kém, tụt huyết áp, mệt mỏi hay ngất xỉu.

Ở người lớn, tình trạng mất nước khó phát hiện hơn ở trẻ em. Mức độ mất nước đôi khi không tương xứng với độ nặng của bệnh.

Đau rát ở hậu môn:

Việc đi ngoài nhiều lần, hoặc tiêu chảy ra máu dễ làm tổn thương hậu môn, dẫn tới tình trạng đau rát. Bên cạnh đó việc sử dụng giấy vệ sinh để lau chùi, làm sạch cũng khiến vùng hậu môn bị đau.

3. Nhận biết biểu hiện tiêu chảy cấp ở trẻ

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của tình trạng tiêu chảy cấp là đi ngoài phân lỏng và đi ngoài nhiều lần trong ngày.

Tuy nhiên, ở trẻ dưới 1 tuổi đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi có số lần đại tiện trong ngày tương đối nhiều. Trung bình từ 3-10 lần mỗi ngày tùy vào từng bé. Phân của trẻ thường sệt, lỏng, nghiêng nhiều về màu vàng, xanh hoặc nâu.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, tần suất đại tiện trong ngày sẽ nhiều hơn hẳn bình thường. Phân cũng lỏng và nhiều nước hơn, có mùi hôi tanh, lượng phân nhiều hơn bình thường.

Bên cạnh đó, trẻ có các triệu chứng khác như mệt mỏi, quấy khóc liên tục, buồn nôn và nôn, đau bụng, sốt cao, bỏ ăn...

Trẻ có biểu hiện mất nước nhẹ và trung bình thì thóp trước lõm hơn bình thường và rất lõm khi mất nước nặng. Trẻ cũng thở nhanh hơn do tăng chuyển hóa trong trường hợp mất nước nặng.

4. Điều trị bệnh tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy cấp có thể lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch bệnh. Vì thế, ngay khi phát hiện những biểu hiện tiêu chảy cấp cần có hướng điều trị kịp thời và nhanh chóng.

Nên đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được khám và chỉ định phác đồ điều trị thích hợp nhất. Thông thường, tiêu chảy cấp được điều trị các triệu chứng bằng một số loại thuốc dưới đây:

Dung dịch nước và điện giải:

Tình trạng tiêu chảy dẫn tới cơ thể mất nước, do đó việc bù nước đặc biệt quan trọng. Đây là biện pháp căn bản để chống mất nước và điện giải, phòng tránh các rối loạn do tình trạng mất nước và điện giải gây ra.

Benh tieu chay cap: nguyen nhan, trieu chung va cach dieu tri

Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp cần phải được bù nước và điện giải.

Cần bù nước cho bệnh nhân bằng cách uống dung dịch oresol. Trong một gói orsol có chứa 20g glucose khan; 3,5g natriclorit; 2,9g natricitrat và 1,5g kaliclorit.

Cách sử dụng dung dịch như sau: Hòa tan một gói oresol trong một lít nước sôi để nguội, cho bệnh nhân uống liên tục trong ngày. Tùy theo mức độ mất nước của cơ thể, có thể sử dụng từ 2-3 gói Oresol một ngày.

Lưu ý, cần pha thuốc đúng tỉ lệ, tuyệt đối không tự ý pha loãng hơn hay đặc hơn. Bởi nếu pha quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng điện giải cần thiết, trong khi pha quá đặc sẽ dẫn tới quá tải chất điện giải, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Thuốc làm giảm nhu động ruột:

Loại thuốc này có tác dụng làm chậm quá trình di chuyển của nước và điện giải, giúp cơ thể tăng hấp thu nước và điện giải, từ đó tăng độ đặc của phân.

Chúng được chỉ định trong các trường hợp tiêu chảy do ăn uống, do dị ứng... Không sử dụng thuốc trong các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn.

- Thuốc Loperamid, viên 2mg:

Loại thuốc chống tiêu chảy này có gốc á phiện. Khi dùng ở liều điều trị được chỉ định bởi chuyên gia y tế, thuốc không gây tác dụng lên thần kinh trung ương.

Việc sử dụng thuốc phải tuyệt đối tuân thủ liều lượng do bác sĩ kê đơn. Nếu dùng quá liều có thể gây liệt ruột và ức chế thần kinh trung ương.

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc là tình trạng táo bón hay ban chẩn. Loại dung dịch không sử dụng với trẻ dưới 2 tuổi.

Loại viên không sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi. Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người suy gan và phụ nữ có thai.

- Thuốc Diphenoxynat, viên 2,5mg:

Loại thuốc này cũng có gốc á phiện, cộng thêm 0,025mg atropine. Cần thận trọng khi dùng thuốc, bởi nếu quá liều có thể dẫn tới ức chế hô hấp và hôn mê. Không sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Thuốc kháng tiết ở ruột non:

Loại thuốc này được sử dụng nhằm ức chế men encephalinase (là loại men là men phụ trách thoái hóa encephalin nội sinh ở não và ruột) có tác dụng giảm tiết dịch ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không gây ảnh hưởng tới dịch tiết cơ bản khác.

Loại thuốc này có khả năng hấp thụ nhanh chóng qua ống tiêu hóa và có tác dụng trong khoảng 8 tiếng. Thuốc được khuyến cáo thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Thuốc dẫn xuất từ men và vi khuẩn như Antibiophilus, byosybtin:

Những loại thuốc này có tác dụng cung cấp các enzyme, các axit amin và vitamin nhóm B, nhằm giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn candida albica và một số vi khuẩn khác.

Không nên sử dụng những loại thuốc này chung với các thuốc kháng sinh đường uống khác, đặc biệt là loại kháng sinh phổ rộng.

Các chất hấp thụ:

Có thể kể đến một số loại phổ biến như Gelopectose, Sacolen.

Những chất này là các silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacryl thấm nước. Chúng được sử dụng nhằm mục đích tăng độ đặc của phân.

Thuốc không hấp thụ vào máu mà đào thải ra theo phân, mang theo các chất mà chúng hấp thụ. Vì thế, khi sử dụng lưu ý không dùng chung với nhóm thuốc làm giảm nhu động ruột.

Bên cạnh đó, thuốc này nên dùng cách các loại thuốc khác ít nhất 2 giờ đồng hồ.

Berberin:

Đây là loại thuốc rất quen thuộc, thường được sử dụng trong Đông y.

Loại thuốc này là alcaloit được chiết xuất từ các thành phần thiên nhiên như cây vàng đắng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng có tác dụng tiêu diệt lỵ amíp và một số vi khuẩn khác gây bệnh đường ruột.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc tiêu chảy cấp:

Bất cứ loại thuốc nào khi sử dụng đều cần có sự chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy cấp, bởi nếu dùng không đúng liều lượng, dùng sai cách có thể gây phản tác dụng, dẫn tới những hậu quả nguy hại cho sức khỏe.

Trong quá trình sử dụng thuốc cầm tiêu, vẫn phải bù nước và điện giải cho cơ thể. Đặc biệt nếu người mắc bệnh là trẻ em.

Trong trường hợp đã sử dụng thuốc mà tình trạng tiêu chảy không được cải thiện, có tình trạng nặng hơn hoặc kèm theo sốt cao, nôn mửa liên tục, mệt mỏi quá mức... thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để có biện pháp cấp cứu và điều trị kịp thời.

5. Phòng tránh bệnh tiêu chảy cấp

Tiêu chảy cấp là căn bệnh phổ biến, dễ mắc phải, nguy cơ lây lan nhanh và có thể gây tử vong nên rất nguy hiểm. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng những biện pháp dưới đây:

- Chú ý vệ sinh cá nhân:

Luôn rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên tắm rửa và thay giặt quần áo để giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ.

Benh tieu chay cap: nguyen nhan, trieu chung va cach dieu tri

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng trách tiêu chảy cấp

- Đảm bảo vệ sinh môi trường sống:

Mỗi gia đình nên có cầu tiêu hợp vệ sinh. Thường xuyên quét dọn, và diệt khuẩn khu vực nhà vệ sinh. Giữ cho nhà ở luôn thoáng mát, sạch sẽ.

Nếu trong nhà có bệnh nhân tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc cloramin B vào cầu tiêu sau mỗi lần đại tiện để tránh lây lan vi khuẩn.

- Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm:

Ghi nhớ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, vệ sinh sạch thực phẩm và dụng cụ chế biến trước khi sử dụng.

Không ăn những thực phẩm dễ nhiễm khuẩn, đặc biệt là thực phẩm sống như hải sản tươi sống, gỏi cá, rau sống, nem chua, tiết canh... Chọn mua thực phẩm tại những điểm bán uy tín, chất lượng để đảm bảo an toàn.

- Bảo vệ nguồn nước sạch của gia đình:

Đảm bảo rằng nguồn nước sinh hoạt của gia đình không bị ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh bể nước và các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Tuyệt đối không đổ chất thải, nước thải và đồ dùng của người mắc tiêu chảy cấp xuống ao, hồ, sông, giếng. Không vứt rác và xác các động vật chết xuống ao, hồ, sông ngòi.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dich vu ke toan