Bách khoa sức khỏe

02-03-2016 10:38:53

Căn bệnh khiến người khỏe tử vong trong 24h: Nguy hiểm, khó lường

Bệnh viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh nhiều khi chưa kịp chẩn đoán đúng bệnh thì bệnh nhân đã tử vong.

Bệnh diễn biến khó lường

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết vài năm gần đây bệnh viêm não mô cầu không còn nhiều như trước đây, bệnh xuất hiện rải rác.

Khác với viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu có thể xuất hiện ở tất cả mọi người. Viêm não Nhật Bản trước đây chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ nhưng hiện nay cũng xuất hiện cả ở người lớn do những người bị muỗi đốt truyền vi khuẩn gây viêm não.

Đối với bệnh viêm màng não mô cầu, bác sĩ Cấp cho biết bệnh này thường diễn biến nhanh đó là hệ tối cấp.

Bệnh nhân chỉ có triệu chứng giống như viêm não khác nhưng diễn biến của bệnh nhanh, và quái ác, bệnh ít gặp nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, thời gian chẩn đoán và điều trị chỉ trong vòng một ngày.

Triệu chứng ban đầu đó là sốt cao 39-40 độC, buồn nôn và ói, đau đầu, chóng mặt, đau họng, chảy nước mũi. Nhiều trường hợp xuất hiện ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi, cứng gáy, đau cổ, co cứng, mê sảng, co giật như người bị động kinh.

Bác sĩ Cấp cho biết bệnh hiếm gặp, xuất hiện rải rác nên nhiều khi ngay chính các y bác sĩ cũng không kịp chẩn đoán để điều trị.

Khi có ca bệnh xảy ra, biện pháp ngăn dịch chính là khoanh vùng, cho những người tiếp xúc với người bệnh uống kháng sinh để ngừa viêm màng não mô cầu.

Tại bệnh viện, nhiều lần các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện Nhiệt đới cũng bị phơi nhiễm với vi khuẩn não mô cầu vì tiếp xúc với bệnh nhân. Khi có kết quả chẩn đoán lúc này mọi người đều uống thuốc phòng phơi nhiễm vi khuẩn này.

Bệnh có ở mọi người

Thạc sĩ Cấp cho biết phòng viêm não mô cầu khó vì mầm bệnh ở rất nhiều người. Bình thường, vi khuẩn này nằm ở hầu họng của rất nhiều người, khi có động lực nó sẽ chuyển thành viêm não mô cầu.

Nguy cơ để dẫn đến vi khuẩn có động lực, các bác sĩ cũng khó giải thích, có thể do sức đề kháng của người bệnh hoặc gặp một điều kiện nào đó, vi khuẩn đó sẽ tăng động lực của mình.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch.

Các tiếp xúc hàng ngày như hôn, dùng chung dụng cụ, ly tách, tiếp xúc với nhiều người như sống trong các khu tập thể, khu cắm trại... đều có thể dẫn đến lây truyền bệnh.Khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh.

Tuy nhiên nhiễm não mô cầu có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn tật chỉ trong vòng 24 giờ.

Nếu người bệnh may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm não mô cầu rải rác tại một số tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương...

Để phòng viêm não mô cầu, bác sĩ Cấp cho biết tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu.

Vắc xin phòng não mô cầu typ A và typ C được chỉ định cho tất cả các đối tượng từ 24 tháng tuổi trở nên. Hiện nay tại các điểm tiêm chủng dịch vụ có vắc xin phòng viêm não mô cầu.

Theo đánh giá của bác sĩ Cấp, nhu cầu tiêm vắc xin này không nhiều và chỉ rộ lên ở mùa dịch nhưng bác sĩ Cấp nhấn mạnh đây là bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng nên việc tiêm phòng là hết sức cần thiết.

Theo Trí Thức Trẻ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dich vu ke toan