Bách khoa sức khỏe
28-11-2018 00:00:00
Suy nhược thần kinh có thể dẫn đến trầm cảm
Người bị suy nhược thần kinh có thể dẫn tới trầm cảm. Nếu không được chữa trị kịp thời, cảm giác vô dụng, tội lỗi và ý nghĩ chết chóc tăng lên, bệnh nhân sẽ rất dễ dẫn đến tự tử.
- Những dấu hiệu báo động stress đang tàn phá nhan sắc của bạn
- Trị nhức đầu kinh niên hay căng thẳng thần kinh kéo dài bằng 1 ly nước đơn giản dễ làm
- Suy nhược thần kinh và thuốc trị
Thời gian gầy đây, chị Minh Thu (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, Tp.HCM) cảm thấy mệt mỏi, đau đầu dữ dội. Vì gia đình chị có tiền sử bị đau đầu nên chị cảm thấy đây là biểu hiện bình thường, và nghĩ đó có thể do áp lực công việc nên chị không để ý. Sau đó chị có tăng cường dùng thuốc nhưng vẫn không có tác dụng.
Sau đó chị thường xuyên bị mất ngủ, tới công ty chị hay cáu gắt và rất dễ nổi nóng với đồng nghiệp, về nhà chị thường la mắng con cái và nhiều khi bất hòa với chồng chỉ vì những việc nhỏ nhặt. Thỉnh thoảng chị còn quên việc của mình, ảnh hưởng tới công ty và bị sếp nhắc nhở. Thậm chí, chị còn ngại giao tiếp với mọi người, những người bạn thân của chị lo chị bị trầm cảm nên đã khuyên chị đi khám.
Suốt gần một tháng chị Thu Hồng chìm trong stress và căng thẳng, chị quyết định tới phòng khám thì được bác sỹ kết luận chị mắc bệnh suy nhược thần kinh giai đoạn điển hình và cần phải được chữa trị ngay.
Nhận diện triệu chứng
Trao đổi với phóng viên, BS. Trần Thị Hồng Thu (Phó khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho biết: “Suy nhược thần kinh là tên gọi dân dã, trong y học còn gọi là tâm căn suy nhược và chứng bệnh này có liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm”.
Theo bác sĩ Hồng Thu: “Dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh là mệt mỏi. Tuy nhiên, mệt mỏi bình thường thì rất dễ phục hồi, nhưng mệt mỏi do suy nhược thần kinh thì dường như không xác định được nguyên nhân, và cho dù người bệnh có chế độ nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu, không có sức”.
Đi kèm với cảm giác mệt mỏi là trạng thái tinh thần không tốt như:
- Bệnh nhân thường kêu ca phàn nàn, mệt mỏi, dai dẳng tăng lên sau một cố gắng để làm việc. Thường xuyên đau mỏi cơ bắp một cách vô cớ, khả năng làm việc sút kém, hay bị chóng mặt, hiệu quả công việc thấp.
- Bệnh nhân thiếu sự kiên nhẫn, không chịu nổi khi phải chờ đợi, dễ bị kích thích bởi mọi người và mọi thứ xung quanh. Họ luôn nóng nảy, cáu gắt, phản ứng quá mức khi bị kích động, nôn nóng làm mọi thứ nhưng lại nhanh mệt, nhanh chán. Bệnh nhân dễ xúc động, mủi lòng, dễ khóc, dễ thay đổi cảm xúc.
- Đau đầu: bệnh nhân đau âm ỉ lan tỏa toàn bộ đầu, đau đầu sẽ càng tăng lên khi có kích thích, suy nghĩ, lo lắng có thể kèm theo chóng mặt, choáng váng đầu óc…
- Mất ngủ thường xuyên: bệnh nhân rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ không say giấc, hay gặp mộng, trằn trọc, dễ đánh thức và khó ngủ lại, đôi khi thức trắng đêm, ban ngày luôn cảm thấy mệt mỏi và hay ngáp vặt.
- Trí nhớ sút kém: bệnh nhân giảm trí nhớ, khả năng ghi nhớ sút kém và khó tiếp thu cái mới.
Ngoài ra, bệnh nhân suy nhược thần kinh còn có những biểu hiện về rối loạn thần kinh thực vật như hay hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, khó thở, toát mồ hôi, có từng cơn nóng bừng hay lạnh toát, run chân tay, run mi mắt, giảm hoạt động tình dục, di mộng tinh ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới… khiến người bệnh hoài nghi có bệnh nặng trong cơ thể, nhưng thực tế không phải vậy và không tương xứng với mức độ mệt mỏi mà họ cảm nhận được.
Suy nhược thần kinh - tác hại khó lường
Bác sĩ Hồng Thu cho biết, suy nhược thần kinh thuộc về bệnh tâm thần, y học quy về bệnh học tâm thần, là bệnh tâm thần loại nhẹ chứ không phải là bệnh tâm thần loại nặng, do đó nó không gây rối loạn hành vi theo kiểu dị kỳ xa lạ. Tuy nhiên, những triệu chứng của suy nhược thần kinh nói trên hoàn toàn không đủ để gọi là “bệnh tâm thần” mà chỉ gọi đây là những “trở ngại tinh thần”.
Cũng do quan niệm sai lầm của nhiều người về bệnh thần kinh và họ thường có mặc cảm khi phải đến điều trị tại các khoa thần kinh của bệnh viện nên bệnh suy nhược thần kinh không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến bệnh ngày càng nặng thêm.
Khi bệnh nặng thêm, người bệnh thường bị đầu óc quay cuồng, đau đầu dữ dội thì thường đến khoa thần kinh khám; người tim hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường đến khoa tim mạch; người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường đến khoa tiêu hoá; người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu; người tinh thần mệt mỏi, ngày càng sụt cân thường đến khoa nội tiết; người mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khoa nội...
Việc không được phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tốn kém cho bệnh nhân khi điều trị sau này. Nếu không chữa trị tận gốc bệnh suy nhược thần kinh thì sẽ dẫn đến sức khỏe kém, thậm chí kiệt sức, bất an, lo lắng thái quá, dẫn đến trầm cảm lo âu. Trạng thái trầm cảm không chữa trị, các triệu chứng sẽ nặng thêm, cảm giác vô dụng, tội lỗi và ý nghĩ chết chóc tăng lên, bệnh nhân sẽ rất dễ dẫn đến tự tử.
Sống lạc quan để phòng ngừa bệnh
Suy nhược thần kinh là bệnh dễ mắc, tuy nhiên chúng ta có thể phòng ngừa suy nhược thần kinh bằng lối sống lành mạnh như: có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất. Ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
Trong công việc, nên sắp xếp thời gian hợp lý khoa học để tránh căng thẳng, mệt mỏi. Đồng thời mỗi người cần phải biết lượng sức mình, không nên ôm đồm công việc để tránh cảm giác thất vọng khi không hoàn thành mục tiêu. Ngoài ra, cần phải có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn, quan hệ cởi mở với bạn bè, đồng nghiệp để luôn vui vẻ, tránh buồn phiền lo lắng.
“Nguyên nhân của tất cả các biểu hiện bệnh trên là do áp lực tinh thần, cho nên phải bắt tay vào giải quyết vấn đề tinh thần trước, điều chỉnh tâm lý, trên khía cạnh tinh thần. Bác sĩ khoa tâm thần hiểu rõ bản chất bệnh của họ; vì thế người bị suy nhược thần kinh cho dù có triệu chứng thân thể loại nào, nên đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị là hợp lý nhất”. - Bác sĩ Hồng Thu chia sẻ.
An Bình
Theo tạp chí Sống Khỏe