Bách khoa sức khỏe
14-07-2021 08:00:00
Người trên 65 tuổi có nên đăng ký tiêm chủng vaccine phòng COVID-19?
Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, những người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm vaccine COVID-19 và sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe của từng người để quyết định việc họ được tiêm hay không.
- Hiểu đúng về 6 loại vaccine phòng COVID-19 phổ biến nhất hiện nay
- Đây là lý do tại sao bạn không nên sợ các tác dụng phụ của vaccine ngừa Covid-19
- Viêm cơ tim liên quan đến vaccine Pfizer và Moderna xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới trẻ tuổi sau khi tiêm mũi thứ hai
- Người đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ ra sao khi nhiễm SARS-CoV-2?
- Tiêm phòng COVID-19, có nên đợi loại vaccine ‘xịn’ hơn hay sẽ tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau?
Hà Nội đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, dự kiến kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022).
Ngay từ bây giờ, mọi người có thể đăng ký tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo 2 cách. Cách thứ nhất là người dân có thể đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khỏe điện tử”. Cách thứ hai là đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS. Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine.
Hà Nội đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. |
Bà Hà nhấn mạnh: “Bất kể ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng, chúng tôi sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng, xem ai tiêm ở đâu. Khi căn cứ vào phiếu đăng ký, tình hình sức khỏe của từng người, chúng tôi sẽ phân loại, có người tiêm ở các điểm tiêm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện.
Và trước khi triển khai tiêm chủng, chúng tôi sẽ gọi từng người, nhắn tin điện thoại mời từng người đến tiêm. Chẳng hạn trong một buổi sáng, dây chuyền tiêm cho khoảng 100 người thì sẽ có từng đó người được gọi. Sau đó, người dân sẽ đến tiêm theo thứ tự được gọi này”.
Để tránh xảy ra tình trạng quá tải, bảo đảm giãn cách an toàn, ngành Y tế mong người dân phối hợp, chấp hành nghiêm túc các quy định. Người dân khi đến tiêm phải theo đúng khung giờ được gọi, không thể nhận được tin nhắn tiêm buổi sáng nhưng đến buổi chiều mới đến.
Ngoài ra, khi đến điểm tiêm, người dân cần tuân thủ quy định tại điểm tiêm, thực hiện đầy đủ quy định "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Trước thống tin để bảo đảm an toàn, thành phố đã không đưa nhóm đối tượng trên 65 tuổi và nhóm đối tượng có bệnh mạn tính vào danh sách tiêm chủng, bà Hà giải thích rằng, theo quy định, vaccine phòng Covid-19 chỉ tiêm cho đối tượng từ 18-65 tuổi. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Tuy nhiên, những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu.
Vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa dịch lây lan - (Ảnh: Internet). |
“Căn cứ vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi, chúng tôi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng” – bà Hà khẳng định.
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Trong lúc này, bên cạnh việc đảm bảo các quy định về phòng chống dịch, vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa dịch lây lan. Vì vậy, người dân, kể cả những người trên 65 tuổi nên đăng ký tiêm vaccine và sẵn sàng tiêm khi có cơ hội.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin