Bách khoa sức khỏe

01-12-2015 09:23:18

Muốn tầm soát sớm bệnh ung thư phải làm thế nào?

Phần trả lời của TS- BS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh viện Bạch Mai nằm trong khuôn khổ cuộc Giao lưu: "Người Việt ăn gì để khỏi chết?"

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hỏi: Xin bà hướng dẫn chi tiết và cụ thể nhất cách 1 người muốn tầm soát ung thư (kể cả chưa có dấu hiệu gì rõ rệt) thì khi vào BV Bạch Mai phải vào phòng/ban nào, thủ tục như thế nào? (Ngô Văn Duy, Ninh Bình)

TS, BS Phạm Cẩm Phương: Nếu có nhu cầu tầm soát ung thư, mọi người có thể đến một trong các địa chỉ sau:

Phòng tư vấn, tái khám tầng 1, Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

Phòng khám chuyên khoa Ung bướu: buồng 1, buồng 2, phòng 311,tầng 3, khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai

Phòng khám chuyên khoa Ung bướu, buồng 1, phòng 414, tầng 4, khoa khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai.

Hỏi: Trường hợp bệnh nhân ở xa, không có điều kiện vào BV Bạch Mai, bà có thể hướng dẫn cách họ có thể tầm soát ung thư ở đâu, như thế nào được không? (Vy Hà, Ninh Thuận)

TS, BS Phạm Cẩm Phương: Bạn có thể khám tại phòng khám chuyền khoa ung thư tại các bệnh viện tỉnh, hoặc truy cập vào trang web ungthubachmai.com.vn. Chúng tôi có nhiều bài viết về bệnh ung thư và có thể trả lời qua email cho bạn.

Hỏi: Theo ghi nhận của BV Bạch Mai, tỷ lệ số ca mắc ung thư loại ung nào là phổ biến nhất? (Đoàn Loan, Đắk Lắk)

TS, BS Phạm Cẩm Phương: Tại Bệnh viện Bạch Mai hành ngày đều tiếp nhận các trường hợp đến khám và điều trị bệnh ung thư.

Có thể thấy, các loại ung thư phổ biến nhất lần lượt là ung thư phổi, gan, ung thư đường tiêu hóa, dạ dày, đại tràng, thực quản, ung thư vú, não…

TS- BS Phạm Cẩm Phương đang trả lời giao lưu trực tuyến.

Hỏi: Là người hiểu rõ các nguồn cơn gây ra bệnh ung thư, trong đó có việc ăn uống độc hại gây ra như thế nào.

 

Bà đã và đang làm gì để bảo vệ chính những người thân trong gia đình khỏi mắc ung thư từ việc ăn uống? Chẳng hạn: Ăn rau thì có mua ngoài chợ không hay mua rau quê, thịt lợn thì lấy từ nguồn nào... (Độc giả Lương Hồng Hà, Phủ Lý, Hà Nam)

TS, BS Phạm Cẩm Phương: Cũng giống như mọi người, tôi cũng mua các thực phẩm từ chợ và luôn mong muốn rằng mua được thực phẩm sạch. Tuy nhiên rất khó để có thể biết được nguồn gốc của chúng.

Hy vọng các bác nông dân, người chăn nuôi gia súc, gia cầm... trồng rau hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc tăng trạng, thuốc bảo quản, thuốc kích thích để người Việt Nam ta tự bảo vệ lấy mình trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư và các bệnh lý khác.

Chúng ta cần đoàn kết, có lương tâm trong việc bảo vệ cộng đồng. Hãy mang lại cho cộng đồng người Việt những thực phẩm sạch, an toàn, có chất lượng.

Hỏi: Công nghệ y học hạt nhân ở Việt Nam hiện nay có thể điều trị được những bệnh ung thư nào và điều trị đến mức độ nào? Có bệnh ung thư nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn từ công nghệ này không? (Độc giả Hoàng Thế Minh, Khoái Châu, Hưng Yên)

TS, BS Phạm Cẩm Phương: Hiện nay công nghệ y học hạt nhân có nhiều tiến bộ, và ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, nhiều bệnh ung thư đã được chữa khỏi nhờ công nghệ này.

Ví dụ như ứng dụng SPECT, SPECT/CT, PET/CT, định lượng miễn dịch phóng xạ, ghi hình miễn dịch phóng xạ... trong chẩn đoán bệnh ung thư.

Trong công tác điều trị cũng có nhiều đổi mới đáng ghi nhận như: Sử dụng PET/CT mô phỏng lập kế hoạch điều trị, điều trị nút mạch vi cầu phóng xạ trong điều trị ung thư gan.

Ngoài ra còn có cấy hạt phóng xạ điều trị ung thư tuyến tiền liệt; điều trị bệnh Basedow và Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa bằng I 131.

Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, cần có sự kết hợp của các phương pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch....

Tùy vào từng loại bệnh, giai đoạn bệnh, loại mô bệnh học, thể trạng người bệnh.... mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.

Hiện nay, bệnh viện Bạch Mai đã cập nhật và đưa vào nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ngang tầm khu vực và một số nước trên thế giới.

Nhờ đó, 1/3 số bệnh nhân ung thư có thể chữa khỏi, 2/3 số còn lại có thể khéo dài thời gian sống, chất lượng sống.

Một số loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi oàn toàn như Ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, tiền liệt tuyến…

Hỏi: Một số ý kiến cho rằng bệnh ung thư tăng mạnh ở Việt Nam hiện nay phần lớn do thực phẩm bẩn, nhiếm chất độc. Bà có đồng ý với ý kiến này không? (Đoàn Bảo Lâm, Bắc Giang)

TS, BS Phạm Cẩm Phương: Phải thừa nhận rằng, tỷ lệ người mắc ung thư tại nước ta ngày càng tăng, điều này do nhiều nguyên nhân, cụ thể có thể kể đến một số nguyên nhân hàng đầu sau đây:

Thứ nhất là nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán bệnh ung thư nên ngày nay tỷ lệ người bệnh ung thư được chẩn đoán sớm nhiều hơn trước.

Thứ hai là do dân số tăng lên, vì thế số lượng người mắc ung thư được phát hiện ngày càng nhiều.

Thứ ba là Việt Nam chúng ta là một trong những nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao, điều này có liên quan trực tiếp đến việc ung thư phổi đứng đầu trong số các ca ung thư ở nước ta.

Thứ tư là tại Việt Nam, tỷ lệ mắc, nhiễm virus viêm gan B, C cao, nên tỷ lệ số ca ung thư gan cũng thuộc hàng cao trên thế giới.

Thứ năm là môi trường đất và nước của chúng ta hiện nay cũng ô nhiễm hơn trước, khiến tỷ lệ ung thư tăng cao.

Nguyên nhân quan trọng nữa là do số lượng chất phụ gia tạo màu, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng đang được sử dụng mất kiểm soát, gây độc cho thực phẩm, đồ ăn chúng ta dùng hằng ngày, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Hỏi: Ai cũng có tế bào ung thư. Vậy những người như thế nào thì dễ mắc bênh ung thư? (Độc giả Ngô Việt Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh)

TS, BS Phạm Cẩm Phương: Những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư, cụ thể là ung thư vú gồm có: người béo phì, người có mẹ, chị gái, em gái, dì ruột mắc bệnh ung thư vú, buồng trứng, người sống độc thân, không lập gia đình, không đẻ con, không nuôi con bú...

Với căng bệnh ung thư gan, những đối thượng có nguy cơ mắc cao là những người tiền sử viêm gan B, xơ gan, uống nhiều rượu, xơ gan, viêm gan do rượu…

Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, khoang miệng...

Trong khi đó, những người béo phì, ăn nhiều đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, ít vận động, ăn ít rau, hoa quả, trong gia đình có người mắc bệnh ung thư đại trực tràng... có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Theo Trí Thức Trẻ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

cty ke toan