Bách khoa sức khỏe

03-11-2018 00:00:00

Trẻ ốm vì mồ hôi 'trộm'

Rất nhiều trẻ bị cảm lạnh, ho, viêm phổi chỉ vì chứng ra mồ hôi trộm. Làm gì để tránh cho con?

Tre om vi mo hoi 'trom'

Ảnh minh họa

Cô bạn thân của tôi vừa gọi điện kêu ca: “Dạo này Cún nhà mình đổ mồ hôi nhiều lắm, nhất là lúc ngủ, lúc bú, ngay cả khi trời mát, mồ hôi cũng túa ra. Cún bị viêm họng mấy hôm nay rồi, sốt trên 39 độ. Không biết tại sao nữa?”. Đó không chỉ là thắc mắc, lo lắng của bạn tôi, mà của đa số bậc cha mẹ khi thấy con mình hay ra mồ hôi trộm. Đâu là nguyên nhân và có cách nào hạn chế tình trạng này?

Trong cơ thể con người có hai hệ thần kinh thực vật có tác dụng đối kháng nhau là hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm có tác dụng tăng tiết mồ hôi còn hệ phó giao cảm làm giảm tiết mồ hôi. Khi hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh sẽ thúc đẩy các tuyến mồ hôi thải ra nhiều hơn. Những trẻ này rơi vào trường hợp này thường hiếu động hơn các trẻ khác.

TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Trẻ dưới một tuổi dễ ra mồ hôi nhiều vì hệ thần kinh thực vật chưa hoàn thiện, dễ rối loạn. Hiện tượng này thường khi lớn lên sẽ mất đi do hai hệ thần kinh thực vật đã có sự cân bằng”.

Ngoài ra, chứng ra mồ hôi trộm cũng thường gặp ở những trẻ thiếu vitamin D.

Nếu mồ hôi ra nhiều, không lau kịp, sẽ thấm ngược vào cơ thể khiến bé bị nhiễm lạnh và ốm. Trẻ cũng dễ bị mất các chất điện giải, làm cơ thể mệt mỏi. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục ngày này sang ngày khác, cơ thể trẻ sẽ bị suy kiệt. Ra mồ hôi nhiều cũng dẫn đến hậu quả thiếu calci nhẹ vì trong thành phần mồ hôi có calci. Trẻ sẽ khó ngủ, hay quấy khóc, dễ nôn trớ, són phân, són nước tiểu.

Biện pháp khắc phục mồ hôi trộm ở trẻ

- Phòng ở của trẻ phải luôn thoáng mát, rộng rãi. Mùa hè nóng bức có thể bật điều hòa ở nhiệt độ phòng lý tưởng là 27-28 độ C, đồng thời cho hơi quạt nước để lưu thông khí và đặt một chậu nước trong phòng (chú ý lau khô mồ hôi cho trẻ trước khi bật điều hòa).

- Mặc quần áo thoáng mát bằng vải cotton.

- Hạn chế các thức ăn sinh nhiệt, cay nóng.

- Cho trẻ uống đủ nước. Nên cho trẻ ăn nhiều loại rau quả có tính mát: rau má, cải ngọt, cải đắng, bí đao, bí đỏ, thanh long, cam…

- Bổ sung vitamin D: những ngày có ánh nắng, bạn nên tận dụng ánh nắng mặt trời vào buổi sáng (trước 9 giờ) để tắm nắng cho trẻ khoảng 10-30 phút.

Món ăn trị chứng mồ hôi trộm

1. Cháo trai

Nguyên liệu: 500g trai, 30g lá dâu non, 100g gạo tẻ + gạo nếp, dầu thực vật, gia vị vừa đủ.

Chế biến: Pha nước muối loãng ngâm trai khoảng 30 phút, vớt ra rửa sạch, đun sôi với nước. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp gia vị, rồi xào qua. Lá dâu rửa sạch thái nhỏ. Gạo cho vào nước luộc trai quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho trai, lá dâu vào, nêm vừa gia vị là được.

Cách dùng: Cho trẻ ăn làm hai lần trong ngày. Dùng 3-5 ngày.

2. Tim lợn hầm đậu đen

Nguyên liệu: 200g tim lợn, 30g lá dâu non, 30g đậu đen, dầu thực vật, gia vị vừa đủ.

Chế biến: Tim lợn rửa sạch, thái nhỏ, ướp gia vị, rồi xào chín. Sau đó đổ nước, thêm đậu đen, hạt sen vào hầm chín khoảng 30 phút, nêm gia vị là được.

Cách dùng: Cho trẻ ăn ngày một lần vào lúc đói (ăn cả nước lẫn cái). Dùng trong 5 ngày.

3. Nước lá dâu

Nguyên liệu: 10g lá dâu khô, 5g rau má khô.

Chế biến: Cả hai thứ trên rửa sạch cho vào nồi cùng 200ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước uống.

Cách dùng: Chia làm 2 lần cho trẻ uống trong ngày. Dùng trong 5 ngày.

Chú ý: Với những trẻ còn nhỏ chưa ăn được, thì mẹ có thể dùng thay để lấy sữa cho con bú cũng có hiệu quả.

Mẫn Mẫn

Theo chuyên đề SKGĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

kế toán trọn gói