Bách khoa sức khỏe

24-02-2016 10:22:19

Thai giáo theo kinh nghiệm nhà nông

Dân gian có câu tục ngữ dạy cách trồng lúa ngắn gọn dễ nhớ vô cùng: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đem áp dụng vào việc giáo dục bào thai từ trong bụng mẹ (thai giáo) quả là lợi hại:

- NƯỚC: Bà bầu cần đảm bảo cung cấp đủ 3 loại nước cho cơ thể:

1/ Nước sinh hoạt: tắm giặt vệ sinh hằng ngày, nước dùng trong nấu nướng (rửa rau, làm thịt cá, giội rửa nhà vệ sinh, rửa bát, 
lau nhà...).

2/ Nước tẩy rửa: những loại chuyên dùng như dầu gội, sữa tắm, nước rửa tay, rửa chén, nước súc miệng... nên dùng những loại có tác dụng làm sạch tốt, độ kiềm nhẹ, ít hóa chất gây hại, phù hợp với làn da nhạy cảm của bà bầu.

3/ Nước uống: Mỗi ngày “nạp” khoảng 2,4 lít nước tùy môi trường và tính chất công việc. Bao gồm nước uống, nước trái cây, các loại trà, nước canh, nước rau luộc, cháo, bún, miến, phở...

Nước là nguyên liệu tạo thành nước ối. Từ tháng thứ 3 trở đi, bé nếm mùi vị của cuộc sống qua việc nuốt mỗi ngày 140 - 160ml nước 
ối để lấy calo.

- PHÂN: Nếu nhà nông trồng lúa cần bón lót, bón thúc lúc gieo mạ, lúc cấy, lúc cây lúa làm đòng trổ bông, thì bà bầu cũng cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý theo từng giai đoạn trong thai kỳ, bổ sung những chất thiết yếu mà cơ thể không tự tạo ra được.

Ba tháng đầu cần nhiều vitamin, nhất là axit folic (vitamin B9) để phát triển tốt hệ thần kinh của bé, tránh khuyết tật thần kinh trung ương, bà bầu cần cung cấp khoảng 400 microgam mỗi ngày. Có nhiều trong gạo giã, bánh mì để nguyên cám, rau có lá màu xanh đậm, đậu phộng, các loại quả mọng (cà chua, cam quýt...).

Ba tháng giữa nên bổ sung chất vôi (canxi) góp phần làm nên bộ xương và răng cho bé đồng thời giúp hệ thống tạo máu, bà bầu cần 1.200mg canxi/ngày. Có trong trứng, cá cua tôm tép, trai hến sò, đậu phụ, các loại rau trồng trên đất bờ bãi (mồng tơi, rau đay, bí, muống, rau thơm...).

Ba tháng cuối bổ sung nhiều đạm có nguồn gốc động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, quả hạt, mè...) để phát triển não bộ và tăng cường hệ miễn dịch cho bé. Nếu bị thai hành, chóng mặt, nôn ói, kén ăn... nên dùng sữa dành cho bà bầu để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và con.

- CẦN: Làm gì cũng cần sự chuyên cần, chăm chỉ huống hồ... làm con. Cha mẹ cần dạy con mình từ trong trứng nước. Từ vận động các giác quan bằng cách mẹ tập thở bằng bụng, vuốt ve, xoa bóp nhẹ nhàng đến việc kết nối tình mẫu tử bằng việc mẹ tập hát ru, nghe nhạc, trò chuyện với con hằng ngày.

Các cụ dạy “chửa con so, làm cho láng giềng”, vừa có ý nói phải năng vận động để cơ - xương - khớp giãn nở dễ đẻ, vừa có ý răn dạy nên giúp đỡ, chia sẻ, giao tiếp, làm phúc với mọi 
người để lại đức cho con.

- GIỐNG: Bông hoa đẹp cỡ nào mà thụ bởi một loại phấn tồi thì cũng khó mà ra được lứa quả sai trĩu cành. Người chồng cần tham gia hết mình vào công cuộc “trồng người” bằng những hi sinh nho nhỏ: rèn luyện thể lực, cai thuốc lá và hạn chế bia rượu, giữ sức khỏe tốt trước và trong thời kỳ “gieo giống”.

Các cụ cũng dạy: “Công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”, ý nói gieo hạt đã công phu vất vả rồi thì chăm sóc tưới bón còn kỳ công hơn. Chồng nên gánh bớt việc nhà giúp bà bầu, dành giờ nghỉ để tranh thủ massage giúp vợ, trò chuyện và chơi với thai nhi, cho bé nghe nhạc, nghe đọc truyện.

Thế mới biết trồng lúa cũng như trồng người.

Theo Tuổi Trẻ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dịch vụ làm kế toán