Bách khoa sức khỏe
14-08-2015 15:30:04
Giải mã tin đồn về "chửa ngực"
Nhìn ngực của thai phụ nhiều người đồn đoán đủ dạng thông tin từ giới tính thai đến khả năng nuôi con. Đâu là sự thực?
- 4 mũi tiêm vaccine cần thiết trước khi có bầu
- Cẩn thận khi dưỡng thai bằng Đông y
- 5 thực phẩm làm giảm khả năng thụ thai
- Những điều nên làm trước khi mang thai
Ảnh minh họa |
Nhìn ngực đoán nhiều chuyện
“Nằm xuống là con không thể thở nổi, mẹ ạ” - Chị Nguyễn Thanh Hà, Quận 1, Tp.HCM gọi điện tâm sự với mẹ. Từ tháng thứ 2 trở đi, ngực chị cứ tăng kích cỡ vùn vùn. Bây giờ, chị mang thai tháng thứ 5, mọi người toàn đùa “bụng chả thấy, toàn thấy ngực vượt bụng”. Chị thấy căng tức, khó thở, nhất là những ngày nắng nóng. Còn mọi người xung quanh nhìn vào vòng ngực của chị để phán đoán đủ kiểu.
Người thì bảo nhìn ngực to thế thì chắc chắn con gái. Theo kinh nghiệm của người xưa, những phụ nữ mang thai con gái thường tăng kích cỡ vòng ngực hơn mang thai con trai. Theo một số người giải thích trên một số diễn đàn thì tại vì mang thai bé trai sẽ tiết ra nhiều hormone nam tính testosterone nên không làm tăng bộ ngực của mẹ.
Xung quanh chuyện chửa ngực, lại có người đồn rằng “thế thì khi sinh xong sẽ nhiều sữa cho con bú”. Những người tin theo điều này thì cho rằng ngực tăng lên trong thai kỳ là báo hiệu việc tích sữa, ngực càng to tức là đã tích được càng nhiều sữa.
"Chửa ngực" - không có bằng chứng khoa học
Trao đổi với Bách Khoa Sức Khỏe, BS. Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội: “Chửa ngực là một từ ngữ dân gian thường hay được sử dụng để chỉ những người phụ nữa mang thai có bộ ngực phát triển nhanh một cách hơn bình thường, chứ theo chuyên môn không hề có định nghĩa nào cụ thể gọi là “chửa ngực”. Khi có thai, estrogen tăng lên rất cao nên sẽ làm cho tuyến vú phát triển nhanh hơn bình thường”. Những người mẹ tăng cân nhiều trong thai kỳ, có mô mỡ phát triển quá nhanh cũng có thể làm tăng lượng mỡ về ngực nên ngực cũng to hơn người khác.
Nói về việc ngực to hay nhỏ khi có bầu có liên quan với lượng sữa không, bác sĩ Kim Dung cho rằng quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Bác sĩ cho biết sữa của người mẹ có nhiều hay không là phụ thuộc vào tuyến sữa của người đó chứ không phụ thuộc vào kích cỡ bộ ngực, tuyến sữa tốt thì sẽ có nhiều sữa. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tâm trạng thoải mái sẽ giúp bài tiết sữa tốt hơn.
Bác sĩ Kim Dung cũng cho biết thêm: “Phỏng đoán bị “chửa ngực” là sẽ sinh ra con gái là hoàn toàn sai lầm vì những người phụ nữ tuyến vú phát triển nhiều hơn người khác thì bản thân bộ ngực của họ cũng phải lớn hơn người khác, điều đó là hoàn toàn bình thường vì kích cỡ ngực của phụ nữ không phải ai cũng giống nhau, tuyến mỡ của họ phát triển tương đối tốt thì ngực sẽ đầy đặn”. Không có bằng chứng nào để chứng tỏ rằng kích thước ngực có liên quan tới giới tính thai nhi. Có rất nhiều phụ nữ lần mang thai nào cũng bị chửa ngực nhưng mỗi lần con họ lại có những giới tính khác nhau.
"Chửa ngực" - phiền toái là có thật
Khi bộ ngực lớn một cách nhanh chóng như vậy thì phần da bên ngoài sẽ bị co giãn quá mức nên có thể gây ra hiện tượng căng tức ngực, rạn da, gây ngứa, nổi mẩn đỏ… Cũng vì kích thước ngực quá lớn nên chèn ép gây khó thở, đau cổ, đau vai cho thai phụ. Một số người khác sẽ cảm thấy nóng bức gia tăng. Kích thước ngực tăng nhanh trong thai kỳ cũng khiến thai phụ phải thay áo ngực liên tục.
Một số chị em lại than thở rằng vì chửa ngực nên khó chọn trang phục mang bầu vì nếu chọn được cái vừa ngực thì ở dưới lại rộng thùng thình trông luộm thuộm, chọn được vừa thân dưới thì ngực chật ních không chịu nổi…
Lời khuyên dành cho chị em chửa ngực từ Bách Khoa Sức Khỏe
- Thường xuyên massage nhẹ nhàng vùng ngực. Điều này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn và xoa dịu cảm giác căng tức ngực. Nếu ngực căng quá, nó làm rạn da, chảy máu, thì lập tức đến phòng khám xin tư vấn của bác sĩ. Nếu chỉ bị rạn da thông thường thì có thể sử dụng kem dưỡng ẩm giữ cho da không quá khó chịu. Khi mua kem chống rạn da phải đọc rõ thành phần, cần tránh loại có AHA, glycolic, retin-A vì chúng có thể ảnh hưởng tới thai.
- Hãy ngồi thẳng lưng và nằm nghiêng khi ngủ hoặc đặt gối nâng đầu và ngực lên cao để tránh khó thở.
- Hạn chế đồ ăn mặn, nóng vì chúng khiến chị em càng căng tức và cảm giác nóng hơn.
- Nên chọn áo ngực có chất liệu cotton, độ nâng tốt, không có gọng cứng hay quá chặt. Khi cảm thấy áo ngực chật, cần thay áo với size lớn hơn. Khi ngực đã phát triển quá lớn, nên lựa chọn mặc loại áo ngực thể thao mỏng nhẹ ngay cả khi ngủ nếu không ngực sẽ làm giãn dây chằng và bị chảy xệ.