Bách khoa sức khỏe
01-06-2020 00:00:00
Không chỉ gây ung thư, hút thuốc lá còn có những tác hại khó lường đối với xương
Từ thời thơ ấu cho đến khi 30 tuổi là thời điểm tốt nhất để xây dựng khối xương chắc khỏe và khi một người bắt đầu hút thuốc từ nhỏ, cơ thể sẽ không phát triển được khối lượng xương tối đa.
- 7 biện pháp giúp giảm đau xương khớp cực kỳ hiệu quả
- Ung thư xương và những điều cần biết
- Ngủ ngon, da đẹp, xương chắc khỏe... nhờ uống 1 ly nước muối ấm mỗi sáng
- Những thói quen xấu khiến xương khớp bị tàn phá nhanh chóng mặt
- Thói quen trùm kín khi ra đường vào ngày nắng nóng có thể gây loãng xương
Hút thuốc lá là một thói quen gây hại lớn đối với sức khỏe của cả người hút và người hít phải khói thuốc thụ động. Người ta hay nói về tác hại gây ung thư phổi cũng như các bệnh về tim mạch ở những người hút thuốc lá nhưng í tai biết rằng, hút thuốc lá còn ảnh hưởng lớn đến hệ xương.
Vào ngày thế giới không hút thuốc (31/5) vừa qua, WHO đã đưa ra những phân tích về tác hại của thuốc lá đối với hệ xương.
Hút thuốc lá và sức khỏe của bạn
Số ca tử vong do hút thuốc lá hàng năm không hề có dấu hiệu giảm xuống, đó là bằng chứng rõ ràng nhất về mối nguy hiểm của thuốc lá đối với sức khỏe. Thuốc lá, dù được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào đều có hại. Mặc dù có nhiều biện pháp được chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ khác áp dụng để hạn chế sử dụng thuốc lá, tuy nhiên, việc tiêu thụ thuốc lá vẫn ở mức rất cao.
Thuốc lá, dù được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào đều có hại. |
Hàm lượng nicotine trong thuốc lá được hấp thụ và xâm nhập vào máu thông qua phổi, kích thích hoạt động điện trong não và cũng có tác dụng tạo ra cảm giác dễ chịu cho người sử dụng, đặc biệt là khi đang bị căng thẳng. Trong tất cả các dạng thuốc lá khác nhau, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc chiếm gần 25% số ca tử vong hàng năm trong độ tuổi 30-60 tuổi trên toàn cầu.
Một số vấn đề sức khỏe phổ biến nhất do thói quen hút thuốc gây ra như sau: Ung thư, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), Bệnh tim mạch, Các vấn đề về sức khỏe sinh sản, Bệnh tiểu đường tuyp 2, Đục thủy tinh thể, Tăng nguy cơ nhiễm trùng, Các vấn đề về sức khỏe xương như viêm khớp dạng thấp, Chứng phình động mạch chủ.
Hút thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của xương như thế nào?
Các nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc là cực kỳ có hại cho xương. Những năm từ thời thơ ấu cho đến khi 30 tuổi là thời điểm tốt nhất để xây dựng khối xương chắc khỏe và khi một người bắt đầu hút thuốc từ nhỏ, cơ thể sẽ không phát triển được khối lượng xương tối đa, cuối cùng có bộ xương nhỏ hơn và khối lượng xương ít hơn so với người không hút thuốc.
Điều đó không có nghĩa là hút thuốc chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe xương trong giai đoạn vị thành niên bởi nó còn tiếp tục ảnh hưởng đến sức khỏe xương ở độ tuổi 40 và 50.
Thuốc lá tác động tiêu cực đến sức khỏe xương theo cách nào?
Khói thuốc lá tạo ra các gốc tự do (các phân tử tấn công và phá hủy hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể), gây tổn hại cho các tế bào và hormone liên quan đến việc giữ cho xương khỏe mạnh. Các độc tố từ khói thuốc gây ra sự mất cân bằng các hormone như estrogen rất cần thiết cho việc củng cố xương.
Thói quen hút thuốc khiến gan của bạn sản xuất nhiều enzyme phá hủy estrogen, dẫn đến mất xương. Nó có thể kích hoạt việc tăng sản xuất mức độ hormone cortisol, dẫn đến phá vỡ cấu trúc xương.
Hút thuốc lá cũng ngăn ngừa sản xuất calcitonin giúp xây dựng xương. Không chỉ vậy, hàm lượng nicotine trong thuốc lá còn giết chết các nguyên bào xương, tế bào tạo xương.
Và theo những cách khác nhau, hút thuốc có thể làm hỏng mạch máu vì nó ngăn chặn việc cung cấp đầy đủ oxy. Điều này tiếp tục làm cho các dây thần kinh bị tổn thương ở ngón chân và bàn chân, dẫn đến nhiều khả năng ngã và gãy xương. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu người hút thuốc bị gãy xương, việc chữa lành vết thương sẽ bị chậm hơn do nguồn cung cấp máu kém đi.
Sức khỏe xương sẽ được cải thiện nếu bỏ hút thuốc?
Đây là một câu hỏi rất phổ biến và câu trả lời là vì quá trình tạo xương diễn ra chậm, nên khi bỏ thói quen hút thuốc sẽ không cải thiện ngay sức khỏe hệ xương của bạn và phục hồi ngay một số thiệt hại đã xảy ra. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn uống cũng như thói quen sử dụng rượu, bia có thể giúp cải thiện sức khỏe xương của cơ thể. Nhưng cũng cần thẳng thắng rằng, người càng hút thuốc nhiều, tiến độ cải thiện về xương càng chậm.
Làm thế nào để cải thiện sức khỏe hệ xương?
Để cải thiện sức khỏe cho hệ xương, ngoài việc bỏ thuốc lá, bạn cần có chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp. Chế độ ăn cần cung cấp đủ chất đạm và các thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, đậu nành. Tránh chế độ ăn ít calo, sử dụng thực phẩm giàu kẽm và magiê cũng như những thực phẩm giàu chất béo omega-3. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý bằng việc tập thể dục thường xuyên.
Lưu ý cuối cùng
Hít phải khói thuốc thụ động cũng gây ra bệnh phổi ở những người trưởng thành không hút thuốc và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 25-30%. Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ mắc SIDS ( hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) cao hơn, hen suyễn nặng, viêm phế quản và hút thuốc thụ động thậm chí làm giảm sự phát triển của phổi. Bỏ thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh do hút thuốc, cũng như cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể của bạn.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin