Bách khoa sức khỏe

15-05-2021 00:00:00

Huyết áp thấp: Không đơn giản chỉ là hoa mắt chóng mặt mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng

Huyết áp thấp có thể xảy ra với bất kỳ người nào, ở mọi lứa tuổi với các triệu chứng như chóng mặt hoặc choáng váng, ngất xỉu, nhìn mờ hoặc mờ dần, buồn nôn, mệt mỏi, sự thiếu tập trung, bị sốc.

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch. Trong hầu hết các trường hợp, huyết áp tối ưu là dưới 120/80 mmHg (milimet thủy ngân). Tuy nhiên, đối với nhiều người, huyết áp thấp bất thường (hạ huyết áp) có thể gây chóng mặt và ngất xỉu. Trong trường hợp nghiêm trọng, huyết áp thấp có thể đe dọa tính mạng.

Huyết áp thấp hay hạ huyết áp là khi chỉ số huyết áp thấp hơn 90/60 mmHg. Huyết áp được đo bằng chỉ số huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là chỉ số được đo khi tim đập và huyết áp tâm trương được đo trong khoảng thời gian nghỉ giữa các nhịp tim. Tâm thu cung cấp máu cho cơ thể, và tâm trương cung cấp máu cho tim bằng cách lấp đầy các động mạch vành.

Các loại huyết áp thấp

Huyết áp thấp (hạ huyết áp) được chia thành nhiều loại khác nhau tùy theo thời điểm huyết áp giảm xuống.

Hạ huyết áp tư thế: Hạ huyết áp tư thế hay hạ huyết áp thế đứng là tình trạng giảm huyết áp đột ngột xảy ra khi chuyển từ tư thế ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng. Trọng lực khiến máu đọng lại ở chân khi đứng. Thông thường, cơ thể bù đắp bằng cách tăng nhịp tim và co mạch máu đảm bảo có đủ lượng máu trở lại não.

Nhưng ở những người bị hạ huyết áp thế đứng, cơ chế bù đắp này không thành công và huyết áp giảm xuống đột ngột, dẫn đến chóng mặt, choáng váng, mờ mắt và thậm chí ngất xỉu. Nó có thể xảy ra ở mọi người và ở mọi lứa tuổi khác nhau. Hạ huyết áp thế đứng có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm mất nước, nằm lâu trên giường, mang thai, tiểu đường, các vấn đề về tim, bị bỏng, nhiệt độ quá cao, giãn tĩnh mạch lớn và một số rối loạn thần kinh.

Hạ huyết áp tư thế đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến những người trẻ hơn, nếu không thì khỏe mạnh đứng lên đột ngột sau khi ngồi khoanh chân trong thời gian dài hoặc sau khi ngồi xổm một lúc.

Huyet ap thap: Khong don gian chi la hoa mat chong mat ma con gay nguy hiem den tinh mang

Hạ huyết áp tư thế đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi - (Ảnh: MsdManuals)

Hạ huyết áp sau ăn: Hạ huyết áp sau ăn là tình trạng tụt huyết áp xảy ra ngay sau khi ăn. Nó cũng là một loại hạ huyết áp thế đứng. Người lớn tuổi, đặc biệt là những người bị bệnh Parkinson, có nhiều khả năng bị hạ huyết áp sau ăn.

Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh: Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh xảy ra sau khi đứng trong một thời gian dài. Trẻ em bị hạ huyết áp dạng này thường xuyên hơn người lớn. Những tình huống khó khăn về mặt cảm xúc cũng có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp qua trung gian thần kinh.

Hạ huyết áp nghiêm trọng: Đây là dạng hạ huyết áp nguy hiểm nhất. Hạ huyết áp nghiêm trọng có liên quan đến tình trạng sốc xảy ra khi các cơ quan trong cơ thể không nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết để hoạt động bình thường. Hạ huyết áp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp

Huyết áp thường thay đổi trong ngày, tùy thuộc vào vị trí cơ thể, thể trạng, nhịp thở, mức độ căng thẳng, một số loại thuốc, thực phẩm và tùy theo thời điểm trong ngày. Huyết áp thường thấp nhất vào ban đêm và tăng mạnh khi thức dậy.

Một số yếu tố có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp kéo dài và có thể trở nên nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Các yếu tố này này bao gồm:

Mang thai: Do hệ thống tuần hoàn mở rộng nhanh chóng trong thai kỳ nên huyết áp có thể giảm xuống. Điều này là hoàn toàn bình thường và huyết áp sẽ trở lại mức bình thường sau khi sinh.

Tình trạng tim: Một số vấn đề về bệnh tim cũng có thể dẫn đến huyết áp thấp. Chúng bao gồm nhịp tim chậm, các vấn đề về van tim, đau tim và suy tim.

Rối loạn nội tiết: Tuyến giáp kém hoạt động kém (suy giáp), suy thượng thận, lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp là bệnh tiểu đường có thể gây ra huyết áp thấp.

Trạng thái cảm xúc: Trạng thái cảm xúc mãnh liệt như sợ hãi hoặc đau đớn cũng có thể gây ra huyết áp thấp.

Tình trạng mất nước: Khi cơ thể mất nhiều nước làm giảm lượng nước cần thiết, nó có thể gây ra suy nhược, chóng mặt và mệt mỏi. Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và tập thể dục gắng sức đều dẫn đến mất nước.

Chuyển tư thế đột ngột: Chuyển tư thế đột ngột từ nằm hoặc ngồi sang đứng với tốc độ nhanh dẫn đến hạ huyết áp tư thế.

Mất máu: Tình trạng mất máu quá nhiều, chẳng hạn như do chấn thương nghiêm trọng hoặc chảy máu trong, làm giảm lượng máu trong cơ thể, dẫn đến giảm huyết áp nghiêm trọng.

Nhiễm trùng huyết: Khi nhiễm trùng trong cơ thể xâm nhập vào máu, nó có thể dẫn đến hạ huyết áp nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Huyet ap thap: Khong don gian chi la hoa mat chong mat ma con gay nguy hiem den tinh mang

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến huyết áp thấp như mất máu, rối loạn nội tiết… (Ảnh: Freepik).

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hay sốc phản vệ: Các tác nhân phổ biến của phản ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng này bao gồm ngộ độc thức ăn, sử dụng một số loại thuốc và nọc côn trùng. Sốc phản vệ có thể gây khó thở, nổi mề đay, ngứa, sưng cổ họng và tụt huyết áp nguy hiểm.

Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng: Chế độ ăn uống nghèo nàn dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng một cách nghiêm trọng. Việc thiếu vitamin B-12, folate và sắt có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu dẫn đến thiếu máu, gây ra huyết áp thấp.

Một số người bị huyết áp thấp không rõ lý do. Dạng hạ huyết áp này, được gọi là hạ huyết áp mãn tính không triệu chứng và thường không có hại.

Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc trị trầm cảm, rối loạn cương dương, thuốc điều trị bệnh Parkinson, huyết áp cao cũng gây huyết áp thấp.

Một số triệu chứng của huyết áp thấp

Những người bị huyết áp thấp có thể gặp các triệu chứng khi huyết áp giảm xuống dưới 90/60 mmHg. Các triệu chứng của hạ huyết áp có thể bao gồm: Chóng mặt hoặc choáng váng, ngất xỉu, nhìn mờ hoặc mờ dần, buồn nôn, mệt mỏi, sự thiếu tập trung, bị sốc.

Trường hợp hạ huyết áp quá mức có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Các dấu hiệu và triệu chứng này bao gồm: Lú lẫn, đặc biệt ở người lớn tuổi; da lạnh, nhợt nhạt và sần sùi; thở nhanh và nông; mạch yếu và nhanh.

Huyet ap thap: Khong don gian chi la hoa mat chong mat ma con gay nguy hiem den tinh mang

Huyết áp thấp gây chóng mặt hoặc choáng váng, ngất xỉu, nhìn mờ hoặc mờ dần, buồn nôn… - (Ảnh: Express).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ nếu:

- Bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên.

- Bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh huyết áp thấp và các triệu chứng đang gia tăng tần suất xuất hiện.

- Bạn gặp phải các triệu chứng do dùng thuốc.

- Nếu huyết áp giảm xuống thấp nghiêm trọng, cơ thể bạn sẽ có nguy cơ không nhận đủ oxy để thực hiện các chức năng bình thường của nó. Lượng oxy giảm có thể dẫn đến suy giảm chức năng của tim và não đồng thời gây khó thở. Một người nào đó bị huyết áp thấp cũng có khả năng bất tỉnh hoặc bị sốc khi các cơ quan ngừng hoạt động.

Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ huyết áp thấp

Huyết áp thấp có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Mặc dù một số loại huyết áp thấp thường phổ biến hơn tùy thuộc vào từng độ tuổi hoặc một số yếu tố khác nhau. Hạ huyết áp thế đứng hoặc hạ huyết áp sau khi ăn xảy ra chủ yếu ở người lớn trên 65 tuổi. Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và những người trẻ hơn.

Những người dùng một số loại thuốc, bao gồm thuốc điều trị huyết áp cao như thuốc chẹn alpha, có nguy cơ cao bị huyết áp thấp. Những người mắc một số bệnh như Parkinson, tiểu đường và một số bệnh về tim mạch cũng có nguy cơ cao bị huyết áp thấp.

Chẩn đoán huyết áp thấp

Huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của một bệnh lý có từ trước, vì vậy mục tiêu trong chẩn đoán huyết áp thấp là tìm ra nguyên nhân khiến huyết áp giảm xuống. Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, tuổi tác, các triệu chứng cụ thể và tình trạng các triệu chứng xảy ra. Họ sẽ khám sức khỏe và có thể liên tục kiểm tra huyết áp và nhịp mạch sau khi bạn nằm xuống vài phút, ngay sau khi đứng lên và trong vòng vài phút sau khi đứng yên. Ngoài ra, các biện pháp chẩn đoán huyết áp thấp bao gồm:

Xét nghiệm máu: Chúng giúp bác sĩ nhận biết thông tin về sức khỏe tổng thể, lượng đường trong máu hoặc số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu), tất cả đều có thể gây ra huyết áp thấp hơn bình thường .

Điện tâm đồ (ECG): Phương pháp này giúp phát hiện những bất thường trong nhịp tim và cấu trúc trong tim cũng như các vấn đề về việc cung cấp máu và oxy cho cơ tim. Nó cũng sẽ cho biết một người đang bị đau tim hay đã từng bị đau tim trước đây.

Kiểm tra với bàn nghiêng: Xét nghiệm này đánh giá phản ứng của cơ thể đối với những thay đổi về vị trí. Một người nằm trên bàn, được thắt dây an toàn và bàn được nâng lên tư thế thẳng đứng trong tối đa một giờ. Huyết áp, nhịp tim và các triệu chứng sẽ được ghi lại.

Phương pháp điều trị huyết áp thấp

Thông thường, huyết áp thấp không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng hoặc chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hiếm khi cần điều trị. Tuy nhiên, với những người xuất hiện các triệu chứng nặng hơn, việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra huyết áp thấp. Chẳng hạn như trường hợp gây ra huyết áp thấp là do dùng thuốc, việc điều trị thường bao gồm thay đổi loại thuốc, ngừng sử dụng hoặc giảm liều lượng.

Đối với những trường hợp huyết áp thấp không rõ nguyên nhân hoặc không có phương pháp điều trị cụ thể nào, mục tiêu trong điều trị là tăng huyết áp và giảm các dấu hiệu và triệu chứng. Tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và loại huyết áp thấp của một người, các bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện một số cách dưới đây:

Ăn nhiều muối hơn: Thông thường, các chuyên gia y tế thường khuyên mọi người nên hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống hàng ngày. Bởi vì lượng muối dư thừa có thể làm tăng huyết áp, đôi khi đột ngột gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, đối với những người bị huyết áp thấp, lượng muối cao hơn đó lại là giúp làm tăng huyết áp. Mặc dù vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng muối bổ sung trong chế độ ăn uống của mình.

Huyet ap thap: Khong don gian chi la hoa mat chong mat ma con gay nguy hiem den tinh mang

Với những người bị huyết áp thấp, lượng muối cao hơn đó lại là giúp làm tăng huyết áp - (Ảnh: Freepik).

Tăng lượng nước uống: Lượng nước bổ sung làm tăng khối lượng máu và giúp ngăn ngừa mất nước, cả hai đều quan trọng trong việc điều trị hạ huyết áp.

Mang tất y khoa: Các loại tất nén thường được sử dụng để giảm đau và sưng do giãn tĩnh mạch có thể giúp giảm lượng máu tụ ở chân. Điều này giúp làm giảm huyết áp ở những người bị hạ huyết áp tư thế, đây là loại huyết áp thấp xảy ra do đứng, nằm hoặc ngồi quá nhiều. Một số người có khả năng chịu đựng quần tất đàn hồi tốt hơn so với mang tất nén. Một số người cũng cần mang tất nén để giúp bơm máu từ chân khi nằm nghỉ ngơi. Hạ huyết áp tư thế phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Khoảng 11% người trung niên và 30% người lớn tuổi bị huyết áp thấp loại này.

Điều trị nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn, virus và nấm có thể gây ra huyết áp thấp. Các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng nhiễm trùng bằng xét nghiệm máu. Biện pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus.

Sử dụng một số loại thuốc: Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc được sử dụng để điều trị huyết áp thấp xảy ra trong trường hợp hạ huyết áp thế đứng. Chẳng hạn như thuốc fludrocortisone, giúp tăng thể tích máu, thuốc midodrine để tăng mức huyết áp ở những người bị hạ huyết áp thế đứng mãn tính. Nó hoạt động bằng cách hạn chế khả năng giãn nở của mạch máu, làm tăng huyết áp.

Các biện pháp khắc phục tại nhà cho huyết áp thấp

Tùy theo nguyên nhân gây ra huyết áp thấp ở mỗi người, những thay đổi trong lối sống có thể giúp làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng.

Chế độ ăn uống cân bằng: Chế độ ăn uống kém khiến cơ thể không nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết dẫn đến huyết áp thấp và các tác dụng phụ không mong muốn. Hàm lượng vitamin B-12, axit folic và sắt thấp khiến cơ thể không tạo ra đủ máu dẫn đến tình trạng thiếu máu. Và thiếu máu làm giảm huyết áp có thể gây ra huyết áp thấp.

Ăn nhiều bữa nhỏ: Một số người có thể bị huyết áp thấp sau khi ăn một bữa ăn lớn, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Điều này xảy ra do máu chảy đến đường tiêu hóa sau khi ăn. Ở những người khỏe mạnh, nhịp tim sẽ tăng lên để giúp cân bằng huyết áp. Để giúp huyết áp không giảm mạnh sau bữa ăn, hãy chia bữa ăn thành các phần nhỏ và ăn nhiều lần trong ngày. Đồng thời hạn chế những thực phẩm giàu carbohydrate như khoai tây, gạo, mì ống và bánh mì.

Hạn chế hoặc bỏ rượu: Rượu làm mất nước và có thể làm giảm huyết áp, cho dù chỉ với một lượng nhỏ. Mặt khác, nó cũng tương tác với một số loại thuốc gây ra huyết áp thấp. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng có thể khuyên sử dụng một hoặc hai tách cà phê hoặc trà có chứa caffein vào bữa sáng.

Chú ý đến các tư thế trong sinh hoạt: Không ngồi khoanh chân quá lâu, chuyển từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng một cách từ từ và nhẹ nhàng. Khi nằm một chỗ trong thời gian dài, lượng máu tập trung vào các cơ quan như gan, phổi, lá lách gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời. Do vậy, khi thức dậy cần phải nằm thêm một lúc. Thực hiện một vài động tác khởi động đơn giản, thở sâu trong vòng vài phút rồi mới ngồi dậy, sau đó từ từ đứng lên.

Khi có dấu hiệu bị hoa mắt, chóng mặt hoặc mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế thấp đầu để tăng lượng máu lên não. Nếu cảm thấy xuất hiện triệu chứng khi đứng dậy, hãy vắt chéo chân theo kiểu cắt kéo và ép chặt hai chân, hoặc đặt một chân lên bậc cao hay trên một chiếc ghế và nghiêng người về phía trước càng nhiều càng tốt. Những động tác này sẽ giúp kích thích lưu lượng máu từ chân chảy ngược về tim.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải từ 30 đến 60 phút mỗi ngày để tăng nhịp tim, kết hợp với các bài tập tăng sức đề kháng trong hai hoặc ba ngày một tuần. Lưu ý cần tránh tập thể dục trong điều kiện môi trường nóng ẩm khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi gây mất nước.

Một số thực phẩm người bị huyết áp thấp nên ăn

Ăn một số loại thực phẩm có tác dụng giúp tăng huyết áp.

Thực phẩm giàu vitamin B-12: Quá ít vitamin B-12 có thể gây ra thiếu máu dẫn đến huyết áp thấp và mệt mỏi. Các loại thực phẩm giàu B-12 bao gồm trứng, gan và thận động vật, cá hồi, cá mòi, thịt động vật, ngao và các sản phẩm từ sữa.

Huyet ap thap: Khong don gian chi la hoa mat chong mat ma con gay nguy hiem den tinh mang

Người bị huyết áp thấp nên ăn những loại thực phẩm giàu vitamin B12 như trứng, các chế phẩm từ sữa… (Ảnh: Freepik).

Thực phẩm giàu folate: Lượng folate quá thấp cũng góp phần gây ra bệnh thiếu máu. Những thực phẩm giàu folate bao gồm măng tây, đậu, đậu lăng, trái cây họ cam quýt, rau xanh, trứng và gan động vật.

Thực phẩm đóng hộp: Thức ăn mặn giúp làm tăng huyết áp. Các loại thực phẩm đóng hộp như cá và thịt hộp, dưa muối hoặc cà muối

Đồ uống có chứa caffeine: Cà phê và trà có chứa caffein có thể tạm thời làm tăng huyết áp bằng cách kích thích hệ thống tim mạch và tăng nhịp tim.

Huyết áp thấp không chỉ khiến người bệnh cảm thấy choáng váng, đau đầu chóng mặt mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Người có dấu hiệu thấp huyết áp nên áp dụng các biện pháp giúp tăng huyết áp tại nhà, và khi có bất cứ vấn đề gì bất thường, tốt nhất là nên tìm sự trợ giúp y tế nhanh nhất.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

kế toán công ty