Bách khoa sức khỏe
28-09-2021 00:00:00
Chuyên gia Nhật Bản: Sau 1 năm, F0 khỏi COVID-19 vẫn có kháng thể cao chống lại nCoV
Theo nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Nhật Bản tiến hành gần đây, các bệnh nhân F0 sau một năm khỏi COVID-19, cơ thể vẫn có kháng thể bảo vệ chống lại các biến chủng SARS-CoV-2.
- Một số loại đồ uống có thể cho ra kết quả dương tính giả khi test nhanh COVID-19
- Tiêm phòng cúm mùa cùng lúc với tiêm phòng COVID-19, các chuyên gia nói gì?
- Đây mới là con đường nguy hiểm nhất mà các bệnh đường hô hấp nguy hiểm như COVID-19 có thể lây lan
- Người nhiễm COVID-19 giải phóng nhiều hạt virus hơn khi nói chuyện hoặc ca hát
- Tập thể dục sau khi tiêm vaccine COVID-19 có an toàn không? Đây là khuyến cáo từ Bộ Y tế Singapore
Tờ Medical News (Nhật Bản) đưa tin, nhóm nghiên cứu trên đã thu thập mẫu máu từ 358 bệnh nhân tại nước này có kết quả dương tính với nCoV từ tháng 1 đến tháng 5/2020.
Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu được đo chỉ số kháng thể vào tháng thứ 6 và tháng thứ 12 sau khi khởi phát bệnh. Các tác giả phân tích nồng độ kháng thể phản ứng miễn dịch bám vào vùng liên kết thụ thể (RBD) của protein đột biến, protein nucleocapsid (NP) và nAbs chống lại nhiều chủng VOC và VOI. Họ cũng xác định xem các yếu tố của vật chủ góp phần thế nào vào sự tồn tại của phản ứng kháng thể.
Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, bệnh nhân F0 khỏi COVID-19 sau 1 năm vẫn có kháng thể mạnh. |
Kết quả các nhà nghiên cứu thu được sau 12 tháng cho thấy, khả năng bảo vệ của kháng thể trung hòa vẫn được duy trì ở mức cao trong cơ thể của 61% F0, bất chấp số lượng kháng thể giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, các kháng thể còn có tác dụng cả với biến chủng nguy hiểm như Delta và Alpha.
Ngoài ra, nghiên cứu từ nhóm chuyên gia Nhật Bản cũng đặt ra giả thuyết những F0 từng trở nặng với tải lượng virus cao có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với nhóm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. So với F0 từng mắc bệnh nặng, người bị bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng có khả năng chống lại các biến chủng đáng quan ngại như biến thể Delta thấp hơn, mức nAbs giảm cũng nhanh hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phân tích một số yếu tố liên quan như béo phì, hút thuốc. Nhiều nghiên cứu trước đây đã xếp các yếu tố này vào nhóm nguy cơ khiến bệnh nhân mắc COVID-19 dễ trở nặng, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, sau khi so sánh, các chuyên gia Nhật Bản khẳng định, độ mạnh yếu của kháng thể không phụ thuộc các yếu tố này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, các yếu tố như béo phì, hút thuốc lá không liên quan đến việc kháng thể mạnh hay yếu. |
Mặc dù nhưng F0 khỏi bệnh được đánh giá là có mức kháng thể chống lại COVID-19 cao và ít có nguy cơ tái nhiễm tuy nhiên, so sánh về các yếu tố nguy cơ và lợi ích, thì vaccine vẫn được xem là hiệu quả nhất hiện nay để ngăn chặn đại dịch. Vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp chúng ta có kháng thể chống lại các biến chủng của SARS-CoV-2 và dần tạo ra miễn dịch cộng đồng khi tỉ lệ người được tiêm vaccine đạt 75%.
Hiện nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chức y tế các nước đã cấp phép sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, các chiến dịch tiêm chủng diện rộng cần nhiều thời gian để hoàn thành.
Sự xuất hiện của các biến chủng COVID-19 cũng đang gây ra nhiều lo ngại về tình trạng bệnh nặng, lây lan nhanh và thậm chí là kháng vaccine. Vì thế, ngay cả khi đã tiêm chủng đầy đủ, chúng ta vẫn cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, tuân thủ 5K mọi lúc mọi nơi để giữ an toàn trong cuộc sống bình thường mới.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin