Bách khoa sức khỏe
04-02-2020 15:00:00
Cách đeo khẩu trang đúng để phòng tránh virus Corona
Việc dùng khẩu trang y tế một lần đạt chuẩn, đúng cách cũng có thể phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus corona.
- 3 dấu hiệu ở ngón tay ‘tố cáo’ phổi đang gặp vấn đề
- Làm sạch phổi cực đơn giản chỉ trong 2 ngày
- PGS tim mạch chiến thắng ung thư phổi nhờ "bí quyết" 4T kỳ diệu
- Mỗi ngày, bỏ ra 10 phút tự kiểm tra sức khỏe tim, gan, thận, phổi
- Bị phổi tắc nghẽn mãn tính - Ăn gì?
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 21 giờ 00, ngày 31/01/2020, đã có 9.958 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới.
Trước tình hình người dân đang vô cùng lo lắng về khả năng lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus nCoV, thậm chí có những thông tin bệnh lây truyền khi nhìn qua mắt… Ths.BS. Lại Thanh Hà - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết trên TTXVN: “Người dân không nên nghe những tin đồn thổi trên mạng mà cần thường xuyên, theo dõi, cập nhật các khuyến cáo chính thức từ Bộ Y tế. Virus nCoV là loại virus có kích thước lớn, tồn tại trong các giọt nước bọt lớn của người bệnh. Vì vậy, khi người bệnh ho, giọt nước bọt sẽ không thể cứ lơ lửng trên không trung để lây truyền qua đường không khí được”.
Cũng theo Ths.BS Lại Thanh Hà, người dân cũng không cần thiết phải mua khẩu trang đắt tiền để phòng bệnh như loại khẩu trang N95 mà chỉ cần loại khẩu trang y tế bình thường có ba lớp mỏng là được.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết thêm trên báo Trí Thức Trẻ, khẩu trang y tế bằng vải không dệt thông thường có 3 lớp với công dụng khác nhau:
- Lớp ngoài có đặc tính chống thấm nước, giúp ngăn cản hiệu quả các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt-xì, ho, thở mạnh... Mặt ngoài thường có màu xanh blue nhạt để dễ phân biệt, đeo khẩu trang đúng là để lớp màu quay ra ngoài.
- Lớp trong luôn có màu trắng rất dễ phân biệt với lớp ngoài. Mặt vải quay vào trong, sát với da mặt nên phải tinh khiết mịn màng, không xơ sợi sùi lông gây khó chịu. Ngoài ra phải có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi tạo sự thoải mái cho người sử dụng.
- Lớp giữa có tác dụng ngăn các hạt dịch văng bắn và phải lọc được bụi, vi khuẩn. Đây chính là lớp quyết định chất lượng khẩu trang. Một lớp lọc "đúng chuẩn" phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, nhưng lại phải có kết cấu đủ để lọc được các hạt bụi, vi khuẩn có kích thước cực nhỏ.
Điều quan trọng nhất là phải biết sử dụng đúng cách khẩu trang y tế mới đảm bảo phòng bệnh được.
- Chọn khẩu trang y tế đạt chuẩn
Một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng khẩu trang chính là Bacterial Filtration Efficiency (BFE) - "Hiệu suất lọc khuẩn". Khẩu trang tốt là chọn loại có BFE cao. Khẩu trang y tế phải có chỉ số BFE > 95%. Sự lựa chọn tốt nhất cho người dùng là loại khẩu trang có BFE > 99%.
Khẩu trang y tế thông thường có khả năng lọc hiệu quả với các hạt có kích thước trên 5 micro mét. Trong khi đó, virus cúm Influenza A có kích thước 80-120nm (nano mét) và virus Corona có kích thước khoảng 150-200nm (nano mét), chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micro mét (1 micro mét = 1000 nano mét). Chính vì vậy, các khẩu trang y tế thông thường có thể ngăn chặn virus rất hiệu quả và phòng tránh lây nhiễm virus Corona.
- Đeo đúng mặt khẩu trang
Dùng ngón trỏ và ngón giữa của hai tay kéo và luồn hai vòng dây khẩu trang vào hai vành tai. Mặt trong của khẩu trang tiếp xúc với da mặt của bạn. Mặt trong thường nhạt màu và mịn hơn, mặt ngoài thường có màu đậm (đỏ, lục, lam...). Mặt ngoài luôn tiếp xúc với vi khuẩn, droplet, bụi bẩn, vì thế khi tháo ra đeo lại các bạn tuyệt đối không được bất cẩn xoay lớp ngoài vào trong sát với miệng mũi của mình.
Tốt nhất khi chỉ đeo một khẩu trang một lần trong một ngày và không tái sử dụng hoặc cất vào túi cá nhân.
- Đeo đúng chiều khẩu trang
Mặt trên của khẩu trang có đường viền thường gắn một sợi kim loại mỏng, khi đeo bạn nên dùng ngón cái và ngón trỏ bóp sợi kim loại theo hình dạng mũi, giữ kín cho vị trí tiếp xúc của khẩu trang với sóng mũi. Mặt dưới của khẩu trang thường có đường dập liền mềm mại để đảm bảo kín với cằm.
- Không sờ tay vào khẩu trang
Khi mang khẩu trang, tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
- Tháo khẩu trang đúng cách
Khi tháo khẩu trang, chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra. Thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.
Rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
Quỳnh Hoa
Theo tạp chí Sống khỏe