Bách khoa sức khỏe

28-12-2020 05:00:00

Các bệnh về tim đang ngày càng tấn công người trẻ nhiều hơn và cách để ngăn ngừa

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe yêu cầu tập thể dục tối thiểu là 35 đến 45 phút mỗi ngày trong bốn đến năm ngày một tuần để đảm bảo hoạt động cho tim và các cơ quan quan trọng.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ những người bị bệnh tim đang gia tăng đáng kể ở những người dưới 40 tuổi. Trên thực tế, khoảng 20% những người bị đau tim có độ tuổi 40 trở xuống, tỷ lệ này đã tăng 2% mỗi năm trong 10 năm.

Những người trẻ tuổi mắc bệnh tim cũng có nguy cơ tử vong vì đột quỵ hoặc một cơn đau tim khác như những bệnh nhân lớn tuổi.

Lối sống ít vận động và bệnh tim

Chúng ta dễ dàng nhận thấy ảnh hưởng của lối sống ít vận động đến các vấn đề về tim mạch. Nhóm thanh niên từ 25 đến 39 tuổi là nạn nhân chủ yếu của lối sống này. Với sự ra đời của công nghệ, mạng xã hội, các nền tảng OTT, game di động, các hình thức thư giãn truyền thống như đi dạo cùng bạn bè hoặc đi lại mua sắm ngày càng ít hơn.

Cac benh ve tim dang ngay cang tan cong nguoi tre nhieu hon va cach de ngan ngua
Những người trẻ tuổi mắc bệnh tim cũng có nguy cơ tử vong vì đột quỵ hoặc một cơn đau tim khác như những bệnh nhân lớn tuổi.

Bên cạnh đó, việc thiếu không gian mở để vui chơi, hoạt động ngoài trời hoặc giải trí ở hầu hết các đô thị trung tâm chỉ làm gia tăng thêm tình trạng này. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe yêu cầu tập thể dục tối thiểu là 35 đến 45 phút mỗi ngày trong bốn đến năm ngày một tuần để đảm bảo hoạt động cho tim và các cơ quan quan trọng.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Nhiều yếu tố khác như hút thuốc, cholesterol và huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, căng thẳng và các yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính có thể điều chỉnh được có liên quan đến bệnh động mạch vành ở người trẻ tuổi. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não hay hẹp động mạch ngoại vi...

Những người hút thuốc lá có nguy cơ đột tử cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc ở nam giới và gấp 5 lần ở nữ giới. Trên thực tế, khoảng 30-40% các trường hợp chết vì bệnh mạch vành do hút thuốc lá.

Tăng huyết áp: Đây là yếu tố nguy cơ tim mạch được chú ý nhiều nhất. Tăng huyết áp sẽ dẫn đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu kết hợp thêm cả yếu tố béo phì, nghiện thuốc lá và cholesterol cao thì nguy cơ bệnh tim hay đột quỵ sẽ tăng lên đáng kể.

Cholesterol LDL: Có những thực phẩm không chứa cholesterol nhưng vẫn chứa một lượng lớn các chất béo bão hòa khác như thịt đỏ và các chế phẩm từ sữa.

Khi được hấp thụ vào cơ thể, các chất béo bão hòa này sẽ làm tăng lượng cholesterol LDL (cholesterol xấu làm gia tăng xơ vữa động mạch), tạo ra những mảng bám trên thành động mạch. Khi các mảng bám tích tụ trong các động mạch vành cung cấp máu cho tim, dẫn đến tăng nguy cơ đau tim.

Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường được coi là có khả năng xuất hiện các biến cố tim mạch tương đương người đã mắc bệnh mạch vành. Ngay cả khi lượng đường trong máu mới chỉ tăng nhẹ, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn người bình thường.

Ngoài việc sử dụng thuốc để kiểm soát đường máu, việc giảm cân và tập luyện thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy quá trình sử dụng đường trong máu và giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm lại sự xuất hiện của bệnh đái tháo đường.

Béo phì: Tình trạng béo phì ngày càng gia tăng ở những người trẻ tuổi do nhiều nguyên nân. Béo phì ở bất kỳ mức độ nào cũng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nó tác động tới sự hình thành một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.

Tình trạng căng thẳng: Căng thẳng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến những người trẻ tuổi dễ mắc bệnh tim. Khi tiếp xúc với căng thẳng trong thời gian dài, cơ thể sẽ phát tín hiệu cảnh báo rằng có điều gì đó không ổn. Những dấu hiệu cảnh báo về thể chất, nhận thức, cảm xúc và hành vi này không nên bị bỏ qua.

Chúng cho bạn biết rằng cần phải giảm tốc độ. Nếu bạn tiếp tục căng thẳng và không cho cơ thể nghỉ ngơi, bạn có khả năng mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim.

Yếu tố di truyền: Nguy cơ di truyền của bệnh tim được xác định khi có người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh chị em ruột dưới 55 tuổi bị đau tim hoặc tiền sử đột quỵ. Phòng ngừa ban đầu là rất quan trọng đối với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.

Các dấu hiệu cảnh báo về cơn đau tim

Không phải tất cả các vấn đề về tim đều có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Một số triệu chứng về bệnh tim thậm chí không xảy ra trong lồng ngực. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cảnh báo về cơn đau tim khi mới bắt đầu. Chúng bao gồm:

- Đau và tức ngực quá mức

- Đau nhói ở cánh tay, cổ hoặc hàm

- Khó thở đột ngột

- Đổ mồ hôi và chóng mặt

Một số biện pháp lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tim từ khi còn trẻ

- Kiểm soát huyết áp

- Kiểm soát mức cholesterol và chất béo trung tính

- Duy trì mức cân nặng hợp lý

- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh

- Tập thể dục thường xuyên ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập cường độ vừa phải

- Hạn chế uống rượu và không hút thuốc lá

- Hạn chế căng thẳng

- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

dich vu ke toan