Bách khoa sức khỏe
28-06-2021 08:00:00
9 đối tượng dễ bị COVID-19 tấn công và những điều cần biết để tránh gặp biến chứng nguy hiểm
Thực tế cho thấy, đa phần các ca tử vong do COVID-19 tại nước ta đều có sẵn nhiều bệnh nền nên bệnh diễn tiến nhanh và dễ gặp biến chứng... Vậy cụ thể, những ai là đối tượng dễ bị COVID-19 tấn công? Họ cần làm gì để bảo vệ sức khỏe, tránh gặp biến chứng nguy hiểm?
- Không bị tác dụng phụ sau tiêm vắc xin COVID-19 nghĩa là vắc xin hoạt động không hiệu quả?
- Vì sao phụ nữ dễ mắc các phản ứng phụ hơn sau khi tiêm vaccine COVID-19?
- Tất tần tật những điều cần biết về tiêm vaccine phòng Covid-19: Ai cần tiêm trước, ai không nên tiêm, phụ nữ mang thai có tiêm không...?
- Nghiên cứu mới: Covid-19 gây tổn thương tinh trùng, dẫn đến vô sinh ở nam giới
- Bệnh nhân từng mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh tâm thần và rối loạn thần kinh
Nếu bạn thuộc 9 đối tượng dễ bị COVID -19 tấn công sau đây, thì bạn cảnh giác và chủ động bảo vệ sức khỏe để giảm tối đa các ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhé!
9 đối tượng dễ bị COVID -19 tấn công
1. Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên
Người cao tuổi là nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao, cũng như dễ gặp các biến chứng nặng nếu không may bị nhiễm COVID-19. Người cao tuổi có sức đề kháng kém, khả năng chống lại bệnh tật, bệnh nhiễm trùng cũng bị suy giảm. Ngoài ra, chức năng phổi của người cao tuổi cũng yếu, khả năng thông khí kém hiệu quả, nếu gặp phải viêm phổi tiến triển thì tình trạng suy hô hấp dễ phát triển hơn.
Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị COVID-19 - (Ảnh: Asiaproperty365). |
Bên cạnh đó, người bệnh cao tuổi cũng là đối tượng dễ mắc phải các bệnh nền như gan, tim mạch, đái tháo đường, từ đó dễ gặp nguy hiểm nếu không may nhiễm COVID -19.
2. Bệnh phổi mạn tính
SARS-CoV-2 là một loại virus đường hô hấp gắn vào các tế bào thông qua các protein được gọi là thụ thể ACE2. Thông thường, các thụ thể này tồn tại với mật độ cao ở những nơi virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể như mũi, khí quản và đường hô hấp… Với một số người, virus có thể di chuyển sâu đến phổi và phế nang, nơi các thụ thể ACE2 có mật độ lớn, gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng. Vì thế, những người mắc bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi…. được xem là có nguy cơ cao mắc COVID-19, cũng như dễ bị biến chứng nguy hiểm.
3. Người bị suy giảm miễn dịch
Những người bị suy giảm miễn dịch thường ít hoặc không có khả năng chống lại nhiễm trùng, và dễ bị biến chứng nặng khi nhiễm COVID-19. Suy giảm miễn dịch thường gặp phải ở những nhóm người như: Người nhiễm HIV; người trải qua hóa trị và xạ trị ung thư; Người nhận ghép tạng, cần sử dụng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài để ngăn ngừa thải ghép tạng….
4. Người mắc bệnh tim mạch
Bạn biết không, nhiễm trùng đường hô hấp thường làm hạn chế lượng không khí đi vào phổi. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Vì thế, những người mắc bệnh tim mạch nếu không may nhiễm COVID-19 sẽ làm tăng gánh nặng cho tim, dễ có nguy cơ tăng huyết áp, tăng khả năng làm bộc phát cơn đau tim hoặc đột quỵ.
Thậm chí theo một nghiên cứu tháng 3/2020 trên JAMA Cardiology với 187 người nhập viện vì COVID-19, những người mắc bệnh tim có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 3 lần so với những người không bị bệnh tim (37,5% so với 7,6%).
5. Người bệnh đái tháo đường
Nếu không được kiểm soát tốt, bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Việc tăng đường huyết kéo dài có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe được gọi là nhiễm toan. Trong đó, các axit được gọi là ketone làm giảm sản xuất tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào lympho T và bạch cầu đa nhân trung tính. Và kết quả có thể làm tăng khả năng bị nhiễm COVID-19.
Người mắc bệnh tim mạch nên cẩn thận trước đại dịch - (Ảnh: Dailymail.co.uk). |
Trong một nghiên cứu 3/2020 được công bố trên JAMA với 72.314 người mắc COVID-19 tại Vũ Hán (Trung Quốc), người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ tử vong tăng gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.
6. Người mắc bệnh gan
Người mắc bệnh gan cũng là một trong những đối tượng dễ bị COVID -19 tấn công và làm tăng nguy cơ biến chứng. COVID-19 có thể làm tăng men gan và khiến bệnh gan trở nặng. Được biết, một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc chống virus và steroid dùng trong điều trị COVID-19 cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến gan.
7. Người có bệnh thận mạn tính
Nhất là những người phải chạy thận thường xuyên sẽ có nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc thậm chí tử vong nếu mắc COVID-19. Vì đây là nhóm người có sức đề kháng yếu, chưa kể các cơ quan như phổi, tim và thận thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu viêm phổi nghiêm trọng, sẽ khiến thận cũng bị tổn thương nặng hơn.
8. Người béo phì
Bệnh béo phì không những làm tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường type 2, gan nhiễm mỡ, mà còn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này khiến cho người béo phì dễ nhiễm bệnh và dễ gặp biến chứng nặng khi bị COVID-19.
9. Rối loạn thần kinh
Theo một số nhà khoa học, những người có bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson, bệnh rối loạn thần kinh vận động có thể dễ gặp biến chứng khi mắc COVID-19. Vì bệnh rối loạn thần kinh có thể làm rối loạn phản xạ nuốt, làm giảm phản xạ ho, làm suy yếu cơ hô hấp, từ đó dễ tạo điều kiện cho các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng hơn.
Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc COVID-19?
Nếu bạn thuộc 9 đối tượng dễ bị COVID -19 tấn công vừa kể trên, hãy cẩn thận và có những hành động thiết thực như sau để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm bệnh nhé!
Thực hiện quy tắc 5K ngay khi ở nhà là cách phòng bệnh hiệu quả - (Ảnh: Claptek.com). |
- Lên kế hoạch thăm khám định kỳ với bác sĩ (hạn chế đi khám khung giờ quá đông người) và nhờ bác sĩ tư vấn về những điều phải làm nếu có dấu hiệu ốm sốt. Đây là cách tốt nhất để quản lý tốt các bệnh nền sẵn có, giảm thiểu rủi ro trong đại dịch COVID-19.
- Thực hiện 5K, tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.
- Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu sốt hoặc ho.
- Duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như tập thể thao tại nhà ít nhất 30 phút/ngày, ăn uống đầy đủ, giàu dinh dưỡng...
- Dự trữ sẵn lượng thuốc vừa dùng, thực phẩm có thể để được lâu và các vật dụng thiết yếu khác để giảm thiểu tối đa việc ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết.
- Hạn chế tụ tập, tiếp khách tại nhà để ngăn ngừa sự lây nhiễm.
- Luôn cập nhật các khuyến cáo về sức khỏe của Chính phủ, Bộ Y tế và WHO.
- Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc COVID-19 và có các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi hoặc khó thở, bạn nên gọi đến cơ sở y tế gần nhất hoặc đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc 19003228 để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.
Cần làm gì để bảo vệ người thân thuộc nhóm có nguy cơ cao khỏi mắc COVID-19?
Nếu có người thân thuộc nhóm có nguy cơ cao, bạn nên bảo vệ họ bằng cách:
- Tuân thủ nghiêm túc quy tắc 5K.
- Nếu bạn có triệu chứng sốt, ho, cần tránh tiếp xúc gần với người thân, bạn bè, đặc biệt những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.
- Giúp người cao tuổi, nhóm người có nguy cơ cao mua sắm thuốc, lương thực. Tuy nhiên, bạn cần giữ khoảng cách 2 mét, tránh vào nhà và tiếp xúc trực tiếp với họ.
- Giữ liên lạc với họ bằng cách điện thoại, nhắn tin, tránh tụ tập.
Tóm lại, tiêm vaccine COVID-19, thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, chỉ ra đường khi có việc cần thiết, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập, có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là những việc cần làm trong thời điểm hiện tại để bảo vệ bản thân, cũng như những đối tượng dễ bị COVID -19 tấn công!
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tin