Bách khoa sức khỏe
30-09-2019 08:00:00
4 động tác massage cổ giúp xoa dịu cơn đau tức thì
LeadTheo Bright Side, 4 động tác massage cổ sau có tác dụng giúp bạn giảm nhanh cơn đau. Đặc biệt, ở cuối bài viết, bạn sẽ còn biết thêm một mẹo nhỏ có thể đẩy nhanh hiệu quả của việc massage nữa đấy, đừng bỏ lỡ nhé!
- Chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng lá lốt
- 5 động tác giúp ngăn ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ
- Hướng dẫn cách làm cam/ quýt hấp muối trị ho khan, ngứa cổ
- Phòng và chữa thoái hóa đốt sống cổ bằng xoa bóp, bấm huyệt
- 5 phút thư giãn phòng thoái hóa đốt sống cổ
Nếu bạn đã từng bị đau cổ, hẳn bạn hiểu cảm giác ấy khó chịu thế nào: một phút trước bạn ổn, ngay lúc sau bạn đã rơi vào trạng thái mắt toàn nhìn thấy sao và bạn thậm chí không thể nhúc nhích phần đầu. Lúc này, cá là bạn sẽ chấp nhận đánh đổi mọi thứ để được massage bằng những động tác nhẹ nhàng giúp xoa dịu ngay lập tức sự đau đớn. Nếu không ai có thể giúp bạn thì đừng lo lắng, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện các động tác massage cổ để xoa dịu cơn đau. Và tất cả những gì bạn cần chuẩn bị chỉ là đôi bàn tay và một chiếc khăn.
1. Massage bằng khăn
Động tác massage này sẽ giúp bạn khởi động các cơ đang bị thít chặt ở cổ và kích hoạt lại khả năng cử động của chúng. Đồng thời, chiếc khăn có độ mềm sẽ làm giảm lực mà bạn tác động, tránh gây tổn thương cổ.
Động tác 1: Luồn khăn ra sau cổ. Tay phải nắm lấy đầu bên trái của chiếc khăn và kéo nó xuống về phía ngực. Tay trái nắm đầu bên phải của chiếc khăn và kéo nó theo chiều ngang từ phải sang trái, đồng thời quay đầu sang trái như hình. Lần lượt thực hiện như vậy cho bên còn lại. Chú ý không dùng lực kéo khăn quá mạnh hay chuyển động quá nhanh.
Động tác 2: Luồn khăn ra sau cổ. Kéo khăn về phía trước bằng cả hai tay, tác động lực nhẹ lên cổ. Từ từ quay đầu sang trái và giữ nguyên trong vài giây. Sau đó, từ từ quay đầu sang phải và giữ nguyên trong vài giây. Duy trì việc kéo khăn về phía trước trong khi thực hiện lần lượt các động tác này. Chú ý không dùng lực kéo khăn quá mạnh hay chuyển động quá nhanh.
2. Massage phần trong cùng của cơ cổ
Đặt tay trái lên phần cơ nằm phía sau tai trái như hình. Dùng ngón tay ấn lực nhẹ lên khu vực này, đồng thời từ từ quay đầu sang phải. Hãy nhớ giữ nguyên vị trí ngón tay, chỉ có phần đầu của bạn là di chuyển. Lặp lại tương tự với bên kia và luân phiên thực hiện nhiều lần cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Bạn còn có thể dùng ngón tay ấn nhẹ tại khu vực trên theo chuyển động tròn để tăng lưu lượng máu và giải tỏa sự căng thẳng.
3. Ép chặt cơ vai
Hãy ngồi thẳng lưng. Đặt hai lòng bàn tay lên hai bên cổ. Đầu hơi ngửa về phía sau và nghiêng nhẹ sang trái. Siết chặt phần cơ bên trái ở mức đủ để bạn vẫn cảm thấy dễ chịu. Sau đó nghiêng đầu nhẹ sang phải và tương tự siết lại cơ cổ bên phải. Luân phiên đổi bên và di chuyển vị trí siết từ dưới cổ lên phía trên.
4. Massage cơ dưới màng cứng
Các cơ dưới màng cứng khi bị thít chặt và khó cử động có thể gây đau đầu, chóng mặt, thậm chí là buồn nôn. Để kích hoạt lại các cơ này, trước tiên bạn hãy tìm đến vùng mềm mại ngay dưới xương sọ, như hình. Dùng hai tay nhấn nhẹ lên các cơ dưới màng cứng ở bên phải và bên trái cổ. Nghiêng đầu ra sau và tiếp tục nhấn sâu theo hướng đi lên bằng ngón tay.
Từ từ hướng cằm về phía ngực trong lúc cúi đầu xuống, đồng thời di chuyển các ngón tay hướng ra ngoài và tiếp tục nhấn. Động tác này giúp bạn tách và mở các cơ dưới màng cứng và giảm độ thít chặt của chúng. Lặp lại chu kỳ này vài lần và phải chắc chắn rằng bạn không cảm thấy đau khi thực hiện.
Mẹo: Kéo căng cơ về phía trước và sang 2 bên
Bạn có thể đứng hoặc ngồi, giữ lưng thẳng. Hướng cằm về phía ngực, đồng thời cúi đầu về phía trước cho đến khi bạn cảm thấy có một sự căng nhẹ sau gáy. Giữ nguyên tư thế trong vài giây và ngẩng đầu lên. Bạn có thể thêm một chút lực và tăng độ căng bằng cách kéo nhẹ đầu xuống bằng tay, như hình.
Bạn có thể đứng hoặc ngồi, giữ lưng thẳng và thả lỏng vai. Nhẹ nhàng nghiêng tai trái xuống vai trái, vai phải giữ nguyên cho đến khi cảm thấy có một sự căng dễ chịu ở phía bên phải cổ. Giữ tư thế này trong vài giây và ngẩng đầu lên. Lặp lại ở bên ngược lại.
Bạn có thể dùng tay để tăng lực và độ căng. Chú ý lực căng ở mức độ vừa phải và bạn không cảm thấy đau khi duy trì.
Các động tác massage cổ trên đã mang lại hiệu quả tích cực ở nhiều người. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy những động tác này không giúp bạn giảm đau, thậm chí cơn đau của bạn càng tồi tệ hơn theo thời gian, thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nhé.
Như Hảo
Theo tạp chí Sống khỏe