Bách khoa sức khỏe
02-08-2019 08:00:00
11 bài tập điều trị thoát vị đĩa đệm
Những bài tập thoát vị đĩa đệm giúp cho bệnh nhân giảm đau nhức mà không cần dùng phương pháp phẫu thuật.
- Bài tập đơn giản cho người bị thoát vị đĩa đệm
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ - nguy cơ tàn phế
- Đối phó với thoát vị đĩa đệm bằng chườm nóng
- Tập 4 động tác sau để nhanh chóng giúp giảm đau thắt lưng, cột sống
- Những thói quen xấu khiến xương khớp bị tàn phá nhanh chóng mặt
- Hết hẳn đau nhức xương khớp với món ăn bài thuốc từ thiên lý
Theo BS. Phạm Hồng Vĩnh (Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Phòng khám Vĩnh Đức, Tp.HCM): Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm lòi ra, chèn ép dây thần kinh và tủy sống gây đau nhức, khó chịu. Vị trí thường bị thoát vị đĩa đệm là cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
Bác sĩ Vĩnh hướng dẫn một số bài tập cho người thoát vị đĩa đệm như sau:
Các động tác điều trị thoát vị đĩa đệm yêu cầu bệnh nhân nằm ngửa người trên giường hoặc nệm phẳng.
Bài tập 1: Co một bên chân, đầu gối ép lại ép sát bụng. Hai tay đan vào nhau, giữ lấy đầu gối, kéo gối sát bụng đến mức tối đa. Đồng thời, chân còn lại giữ thẳng. Bệnh nhân giữ nguyên tư thế đến khi mỏi thì đổi bên.
Bài tập 2: Bệnh nhân co hai đầu gối, ép sát bụng. Hai tay đan vào nhau, giữ lấy hai đầu gối để hỗ trợ lực ép đầu gối sát bụng. Đến khi mỏi, bệnh nhân buông nghỉ, hết mỏi lại tập tiếp.
Bài tập 3: Co gập hông, gối, gồng bụng, ấn lưng xuống nệm. Giữ tư thế này đến khi mỏi thì thả lỏng và tiếp tục lặp lại.
Bài tập 4: Gập gối, nâng mông cao khỏi nệm, giữ tư thế đến khi mỏi. Động tác này giúp cơ lưng mạnh giữ vững cột sống.
Bài tập 5: Gập gối chống hai tay xuống nệm, chống hai khuỷu tay xuống nệm, ưỡn ngực, ưỡn cổ khỏi mặt nệm, giữ tư thế đến lúc mỏi. Động tác này làm mạnh cơ từ vùng cổ xuống đến thắt lưng.
Bài tập 6: Gập hông, gập gối, hai chân đạp nhịp nhàng tạo thành vòng tròn trên không trung (như xe đạp) đến khi mỏi thì nghỉ.
Bài tập 7: Gập hông, gối, hai tay đặt trên hai đầu gối, chân đẩy lên sát bụng, tay đẩy xuống tạo cơ hội cho cơ bụng gồng lên. Khi mỏi thì nghỉ rồi tập tiếp.
Do cột sống nằm giữa hai cơ lưng và cơ bụng bọc hai bên nên phải tập mạnh hai nhóm cơ này thì cột sống mới giữ thẳng được.
Bài tập 8: Gập một chân, tay bên còn lại đặt lên đầu gối. Chân gập chéo lên sát bụng, tay đẩy chéo xuống và đẩy. Cơ chéo bụng được làm việc. Khi mỏi lại đổi bên.
Bài tập 9: Bệnh nhân nằm sấp, quỳ 4 điểm: hai đầu gối, hai bàn tay. Bệnh nhân cong lưng hướng lên hết cỡ và gồng giữ lại giúp cho các lỗ liên hợp mở rộng ra. Khi mỏi có thể hạ thấp lưng xuống rồi lại tiếp tục nâng lên.
Bài tập 10: Bệnh nhân quỳ 4 điểm như trên, ngồi trên 2 gót chân, hai tay cố gắng bò tới hết mức tối đa. Mông cố gắng chạm gót càng sâu càng tốt. Khi mỏi nâng mông lên nhẹ nhàng. Hết mỏi lại ép xuống để tạo điều kiện cho lỗ liên hợp mở rộng.
Bài tập 11: Từ tư thế quỳ 4 điểm, bệnh nhân với 1 tay thẳng về trước, chân phía bên kia thẳng về sau. Khi mỏi, bệnh nhân đổi chân, đổi bên. Mỗi động tác tập từ 15-20 lần. Mỗi đợt làm hết 11 động tác. Ngày tập từ 3-4 đợt: sáng, trưa sau khi ngủ dậy và tối trước lúc đi ngủ.
Bạn có biết? - Căn bệnh này thường gặp ở những người trung niên, từ 30-50 tuổi, do đĩa đệm bị thoái. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở người trẻ do lao động, sinh hoạt sai tư thế. - Có đến 90% ca thoát vị đĩa đệm điều trị thành công mà không cần phẫu thuật. - Ở Việt Nam có tới 17% người trên 60 tuổi bị mắc chứng đau lưng. Bệnh xảy ra ở khoảng 30% dân số, hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20-55 tuổi. |
Thiên Hoàng
Theo tạp chí Sống Khỏe