Bách khoa sức khỏe

31-10-2018 11:00:00

Tia UV ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt

Tia cực tím (hay còn gọi là tia UV, tia tử ngoại) gây bỏng mắt, ảnh hưởng giác mạc, đục thủy tinh thể… Đặc biệt hiện nay, tia cực tím xuất hiện ngày càng nhiều khiến các bệnh về mắt có nguy cơ tăng cao hơn.

Tia UV anh huong nghiem trong den mat

Ảnh minh họa

Mắt rất nhạy cảm với mọi sự va chạm, kể cả ánh sáng chiếu vào. Nhìn lâu vào vật quá sáng, mắt sẽ nhanh chóng bị mỏi mệt, cảm giác nhức mắt xuất hiện. Nếu nhìn vào ánh sáng mặt trời thì điều đó càng nguy hiểm hơn.

Tia cực tím gây ra nhiều bệnh cho mắt

Hiện tình trạng tầng ozone thủng ngày càng lớn sẽ tạo điều kiện cho ánh nắng chiếu xuống với cường độ ngày càng cao đồng nghĩa với khả năng ngăn chặn tia UV của tầng ozone bị kém đi thì rất nguy hiểm. Theo nghiên cứu khoa học, tia cực tím xuất hiện ở ánh nắng mặt trời, nằm ở dải sóng 400-100nm. Đây là loại bước sóng dài hơn tia X-quang (tia xuyên qua cơ thể để chẩn đoán, khám chữa bệnh). Ngày nay, trái đất hứng chịu tia cực tím ngày càng nhiều do tầng ozone bị thủng ngày càng lớn. Do đó, những bệnh tật mà tia cực tím hay còn gọi là tia UV xuất hiện cũng nhiều hơn.

Mùa hè đang đến rất gần. Cường độ ánh sáng và nắng nóng được dự đoán mỗi năm mỗi khắc nghiệt hơn. Vì thế, việc bảo vệ đôi mắt, làn da lại càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo BS. Đặng Văn Quế (Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế), tác hại đầu tiên của tia cực tím có thể gây bỏng mắt. Nếu đứng ngoài nắng lâu và không có sự bảo hộ bằng kính râm, nón che đầu, chúng ta dễ mắc phải bệnh này.

“Triệu chứng của bệnh là nóng rát mi mắt, cảm thấy cộm, ngứa, khô mắt và chớp mắt liên tục, phỏng rộp các tế bào loại mô”, bác sĩ Quế nói. Hiện tượng này xảy ra nhiều có thể dẫn đến tình trạng mờ, lòa, nặng hơn sẽ bị mù.

Lúc đầu tia cực tím chỉ ảnh hưởng mi mắt, giác mạc. Nếu bị nặng, tia UV sẽ ảnh hưởng thủy tinh thể, dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể. “Theo thời gian, đục thủy tinh thể có hiện tượng mờ đi, cuối cùng sẽ không nhìn thấy gì”, bác sĩ Quế cảnh báo.

Ngoài ra, việc phá hỏng các tế bào nội mô của võng mạc sẽ dẫn đến việc thoái hóa điểm vàng. Bác sĩ Quế khẳng định, điều này cũng nhanh chóng dẫn đến mù mắt.

Tổn thương ở mắt có thể là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia UV có trong ánh nắng mặt trời. “Ở mi mắt, ánh nắng có thể gây nên một số loại u mi, đặc biệt là ung thư mi như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính”, bác sĩ Quế nói.

Bảo vệ mắt tránh tia UV

Biện pháp quan trọng nhất để tránh tác hại của ánh nắng đối với mắt là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tránh thời gian mà lượng tia UV nhiều nhất, như từ 11 giờ sáng đến 4 giờ chiều, hoặc mùa hè...

Nếu bắt buộc phải làm việc dưới nắng, chúng ta phải tìm cách hạn chế nắng xâm nhập vào cơ thể. “Chúng ta nên đội mũ, nón rộng vành, phụ nữ đi ra đường nên che kín mặt vì ánh nắng quá mạnh có thể khiến da nhanh lão hóa, sạm da, đồi mồi…”, bác sĩ Quế cho biết.

Sau đó, chúng ta cần đeo kính chống tia cực tím giống như công nhân làm hàn xì phải đeo kính trước khi hàn. “Để chống được tia UV phải là những loại kính tốt, thường có giá thành đắt. Nếu là kính râm thông thường còn có khả năng bị bệnh nặng thêm”, bác sĩ Quế cảnh báo.

Cụ thể, khi đeo kính râm thông thường sẽ làm đồng tử mắt giãn to, trong khi tia tử ngoại từ bên ngoài vẫn đâm xuyên qua bình thường. Kết hợp hai yếu tố này khiến mắt bị bệnh do tia UV gây ra rõ ràng nặng hơn.

Từ đó, bác sĩ Quế đưa ra các khuyến cáo cụ thể. Đi ra ngoài nắng, mọi người nên đeo kính chống tia tử ngoại. “Vào khoảng thời gian từ 10h sáng đến 4, 5 giờ chiều là thời gian tia tử ngoại tập trung nhiều nhất, nên cần thiết phải đeo kính chống tia tử ngoại nhất vào thời gian này”, bác sĩ Quế nói.

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn hay nghe một số đạo, tôn giáo khuyên bảo nên nhìn vào mặt trời vào buổi sáng thì sẽ rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt đôi mắt. Bác sĩ Quế cho rằng, “Điều này hoàn toàn phản khoa học, mặc dù khoảng thời gian sáng sớm là lúc có ít tia UV hơn. Nhưng không phải có ít là không hề có ảnh hưởng cho mắt, nhất là trong khoảng thời gian gần đây, tầng ozone của chúng ta ngày càng bị thủng to hơn, khả năng ngăn chặn tia UV kém hơn rất nhiều”.

Ngoài ra, bác sĩ Quế cũng khuyến cáo, “Tia UV chiếu từ mặt trời xuống mặt đất, phản xuống cát, mắt nhìn vào vô tình tia UV chiếu phản vào mắt nên sẽ gây tổn thương cho mắt”. Từ đó, bác sĩ Quế khái quát lên, không chỉ cát mà tất cả những vật sáng ở ngoài trời nắng to, chúng ta đều không nên nhìn vì sẽ gây tổn thương cho mắt, tổn thương sẽ lớn dần theo thời gian.

Tia UV anh huong nghiem trong den mat

Lượng tia UV phụ thuộc vào đâu?

- Thời gian trong ngày: Tia UV mạnh nhất vào buổi trưa (khi mặt trời mọc cao nhất trên bầu trời) và yếu hơn vào buổi sáng sớm và chiều tối.

- Mùa: Tia UV mạnh nhất vào mùa hè (tháng 5-8), yếu hơn vào mùa xuân, thu và yếu nhất vào mùa đông.

- Lượng mây che phủ: Đám mây dày chắn tia UV. Khi mây mỏng dễ dàng để phần lớn tia UV đi qua. Mây càng sậm màu, thì UV càng ít. Cẩn thận khi ở dưới đám mây mỏng - tuy các đám mây mỏng không gây ra cảm giác nóng, nhưng chúng ta vẫn bị cháy nắng vì chúng không chặn được tia UV.

- Bề mặt bạn đang đứng: Bạn hấp thụ nhiều tia UV trên cát, nước hoặc bê tông, do những bề mặt này phản xạ tia nắng mặt trời lên da bạn, như một tấm gương. Bề mặt càng sáng thì càng nhiều tia UV bị phản xạ lại càng nhiều .

- Độ cao: Bạn hấp thụ nhiều UV khi bạn ở trên núi hơn ở độ cao thấp hơn, do không khí trong và mỏng hơn.

- Bạn ở dưới ánh nắng mặt trời bao lâu: Bạn càng ở ngoài nắng lâu, bạn càng hấp thụ nhiều tia UV…

Nguyễn Hòa

Theo tạp chí Sống Khỏe

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ke toan ban thoi gian