Bách khoa sức khỏe
21-12-2020 05:00:00
Rét đậm rét hại khiến nhiều người khốn khổ vì các chứng bệnh về da
Trời lạnh kèm theo hanh khô khiến cơ thể ít tiết mồ hôi và các axit hữu cơ làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh về da như vẩy nến, khô da, ngứa, chàm...
- 7 thành phần được bác sĩ da liễu khuyên dùng giúp làm dịu đôi môi khô nứt nẻ
- Chăm sóc da mụn đúng cách theo lời khuyên từ bác sĩ da liễu
- Những hành động đơn giản hàng ngày giúp làn da của bạn trẻ ra 10 tuổi
- Ba cách dưỡng da với sữa đậu nành đảm bảo giúp da bạn trắng mịn
- 7 cách đơn giản giúp phục hồi hiệu quả làn da bị cháy nắng
Miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh giá với tiết trời hanh khô. Dự kiến đến tết Dương lịch, toàn khu vực còn đón đợt không khí lạnh mới và rét đậm rét hại xảy ra trên diện rộng suốt cả tuần đầu năm mới 2021.
Rét đậm rét hại không chỉ gây ra các chứng bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, tăng cường nguy cơ đột quỵ mà còn gây ra rất nhiều vấn đề về da. Da khô, nứt nẻ khiến chúng ta rất khó chịu, chưa kể còn ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ. Bởi vậy, việc chăm sóc da vào những ngày đông, đặc biệt là lúc rét đậm rét hại là vô cùng quan trọng và cần phải biết cách để giữ cho làn da khỏe mạnh.
1. Bệnh chàm da
Chàm da hay còn gọi là viêm da cơ địa thường gặp ở những người bị dị ứng và hen suyễn. Chứng bệnh này thường gây tổn thương khô da mặt, chân, tay, tróc vẩy, đỏ ửng và ngứa, thậm chí là đau rát đến chảy máu. Khi thời tiết trở lạnh, bệnh này càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh chàm da thường trở nên nghiêm trọng hơn khi trời lạnh. |
Có hai loại viêm da cơ địa là viêm da tiếp xúc dị ứng có kích thích và không kích thích. Viêm da có kích thích là một phản ứng của hệ thống miễn dịch với chất gây kích ứng như latex hoặc kim loại. Còn viêm da không kích thích xảy ra khi hóa chất hoặc chất khác gây kích ứng da.
Nguyên nhân phổ biến gây ra chàm da là do tiếp xúc với các chất tẩy rửa, chất tẩy trắng, tiếp xúc với trang sức, mủ cao su, niken, sơn, cây thường xuân độc, sản phẩm chăm sóc da, xà phòng và nước hoa, dung môi và khói thuốc lá.
2. Bệnh vẩy nến
Vẩy nến là bệnh phổ biến về da thường gặp vào mùa đông, chủ yếu là các tổn thương da kèm theo ngứa ngáy khó chịu. Các triệu chứng thường gặp như vẩy trắng phủ lên bề mặt ra, vẩy dày nhiều lớp, xếp chồng lên nhau rất dễ bong và giống như giọt nến.Vẩy nến thường xuất hiện ở khuỷu tay, đấu gối, các vùng xương cùng, mông. Bệnh thường diễn tiến dai dẳng, gây ra biến chứng viêm, biến dạng khớp xương.
Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần chú ý sinh hoạt hợp lý để phòng ngừa bệnh tái phát bằng các giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa thay quần áo. Ăn uống đủ chất, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng. Hãy ăn nhiề rau xanh, củ quả tươi và uống đủ nước để da không bị khô ráp, đặc biệt là tránh tiếp xúc với hóa chất.
3. Nổi mề đay do lạnh
Một số người có dấu hiệu nổi mẩn khi tiếp xúc với không khí lạnh. Những nốt sần đỏ dần to lên như mè đay kèm theo ngứa dữ dội, có thể chỉ trong vài giờ rồi biến mất, gọi là nổi mề đay.
Thông thường người bị chứng nổi mề đay này thường có cơ địa nhạy cảm, nên cần lưu ý luôn mặc ấm, hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh các loại đồ ăn thức uống gây dị ứng. Đặc biệt, nên thận trọng khi dùng mỹ phẩm và nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất.
4. Mẩn ngứa do lạnh
Biểu hiện của bệnh này có thể từ lâm râm đến dữ dội, những đợt ngứa rất khó chịu và thường xuất hiện vào ban đêm làm bạn mất ngủ. Đặc biệt, càng rét đậm rét hại lại càng ngứa dữ dội. Nhiều người ngứa không chịu được nên gãi làm trầy xước da, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn.
Hiện tượng ngứa do trời lạnh được cho là do chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế làm cho da khô.
Mẩn ngứa do lạnh hầu như không thể chữa khỏi vĩnh viễn, nhưng nó sẽ giảm khi thời tiết ấm lên. |
Thông thường da tiết ra chất hữu cơ như axit organic cùng với mồ hôi. Các axit hữu cơ giúp giữ cho gia nhờn và tăng độ đàn hồi giúp chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng hay bụi bẩn... Khi trời lạnh, da ít tiết mồ hôi và axit hữu cơ, khiến da khô và nứt nẻ gây ngứa ngáy.
Mẩn ngứa do trời lạnh hầu như không thể chữa khỏi vĩnh viễn nhưng khi thời tiết ấm lên thì ngứa sẽ giảm dần. Để hạn chế tình trạng này, cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Nên tắm bằng nước ấm vừa phải, không chà xát da quá mạnh và tuyệt đối không ngâm nước quá lâu và càng ngâm nước nóng càng khiến da mất chất nhờn, mau khô và nứt nẻ ngứa ngáy nặng hơn. Cần lau khô sau khi tắm bằng khăn mềm và bôi kem dưỡng ẩm phù hợp.
Nếu bị ngứa quá nặng và kéo dài, bạn nên đến khám bác sĩ chứ không nên tự ý dùng thuốc.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin