Bách khoa sức khỏe
20-06-2019 15:00:00
Những lưu ý khi dùng chảo chống dính để tránh gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe
Chảo chống dính là dụng cụ nhà bếp quá quen thuộc với tất cả mọi gia đình, tuy nhiên không ít người mắc phải những sai lầm khi sử dụng chảo chống dính đã vô tình gây hại cho sức khỏe.
- Thực chất bột ngọt/ mì chính có thực sự gây hại cho cơ thể như nhiều người vẫn hiểu?
- Suy nghĩ tiêu cực không chỉ gây hại cho cơ thể và sản sinh ra độc tố
- Dùng giấy bạc bọc thực phẩm có gây hại cho sức khỏe?
- Vịt tắm: Thủ phạm gây hại sức khỏe của con bạn
- Ăn nhiều sữa chua gây hại ra sao?
- Thêm các gia vị không đúng cách sẽ gây hại cho sức khoẻ
Chảo chống dính là một trong những dụng cụ nấu ăn mà bất cứ khu bếp của gia đình nào cũng phải có. Chảo chống dính thường được làm bằng nhôm hoặc hợp kim nhôm, inox. Đặc biệt, bề mặt chảo được phủ một lớp chất chống dính, nhờ đó mà dầu mỡ và thức ăn sẽ không bị bám dính vào bề mặt của chảo.
Do đó, vật dụng này là trợ thủ đắc lực trong việc giúp người nội trợ làm các món chiên, xào lăn, áp chảo... Bởi, nó giúp chúng ta có thể tiết kiệm dầu mỡ, nấu thức ăn thơm ngon và trông bắt mắt hơn. Đồng thời giúp chị em tiết kiệm thời gian và công sức. Bên cạnh đó, việc vệ sinh cũng sẽ trở nên dễ dàng đơn giản hơn so với các loại chảo thông thường.
Thế nhưng, có một thực tế đáng lo ngại là không phải ai cũng biết sử dụng chảo chống dính đúng cách. Không chỉ vậy, việc để các lớp chống dính bong tróc ra, dính vào đồ ăn vừa khiến chảo nhanh hỏng lại vừa khiến người dùng bị nhiễm độc, tăng nguy cơ bị ung thư.
Theo các chuyên gia, chất chống dính trên bề mặt chảo có tên hóa học là Teflon hay Politetra Floetylen (viết tắt là PTFE). Bản chất của chất này là Polime chịu nhiệt, bình thường không gây độc hại cho cơ thể. Tuy nhiên, khi ở nhiệt độ cao, hợp chất này sẽ bị biến đổi và sinh ra khói độc, gây ra các triệu chứng cho người hít phải như ho, tức ngực, khó thở… Thậm chí nếu sử dụng các loại chảo không đảm bảo, chất lượng kém trong thời gian dài chất độc sẽ bị tích lũy trong cơ thể. Lượng tồn dư PFOA có nguy cơ gây ung thư hoặc gây sẩy thai ở phụ nữ. Ngoài ra, PTFE là chất dẻo tổng hợp, có đặc tính trơn tự nhiên. Những chất này sẽ gây nguy hại cho người sử dụng vì nó bắt đầu phân hủy ở nhiêt độ từ 250 đến 350 độ C. Khi phân hủy sẽ thải ra các khí độc hại cho cơ thể người. Chúng có thể gây ra các bệnh viêm phổi và làm rối loạn dịch thể.
PFOA là một dạng hóa chất lỏng, không màu, nhiệt độ nóng chảy từ 40 đến 50 độ C. Chất này có thể dẫn tới các chứng bệnh nguy hiểm liên quan đến tuyến giáp gây sẩy thai, thay đổi nồng độ lipit, hệ miễn dịch và gan. PFOA khi tích tụ trong cơ thể có nguy cơ gây ung thư.
Các nghiên cứu còn cho thấy, chất chống dính thông thường là vật liệu khá rẻ tiền và không bền. Chúng bị mòn đi theo thời gian và rất dễ bị trầy xước. Khi đó chất chống dính này dễ dàng bị phân hủy, trộn lẫn vào thức ăn và gây tác động trực tiếp lên sức khỏe con người. Nếu bạn mua nhầm, sử dụng chảo chống dính không thương hiệu, không có giấy kiểm định an toàn thì nguy cơ mắc phải ung thư là rất cao.
Do đó, để tránh những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đến từ việc sử dụng chảo chống dính, bạn nên chọn sử dụng chảo chống dính của những thương hiệu uy tín, các loại có công bố những tiêu chuẩn và chế biến thực phẩm ở nhiệt độ vừa phải.
Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, những người nội trợ cần lưu ý nấu ăn ở nhiệt độ vừa phải khi dùng chảo chống dính. Không nên dùng nhiệt quá cao khi chế biến đồ ăn đặc biệt là rán để bảo vệ lớp chống dính và tránh thức ăn bị biến đổi gây hại cho sức khoẻ.
Không để chảo ở nhiệt độ quá cao khi chưa có đồ ăn sẽ khiến chất chống dính bị phân hủy và giải phóng các phân tử động hại gây ung thư. Thực tế, có rất nhiều người có thói quen cho chảo chống dính vào bếp và để lửa cao ngay cả khi chưa có đồ ăn nấu kèm. Việc dùng chảo như vậy cũng là một sai lầm lớn. Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, khi nấu ăn bạn nên để chảo ở mức nhiệt trung bình hoặc thấp, không để lửa bén vào lòng chảo và tuyệt đối không để chảo rỗng trên bếp nóng khi không có dầu mỡ hoặc thức ăn. Không rửa chảo khi còn quá nóng, do nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ khiến chảo bị biến dạng và lớp chống dính bị bong tróc. Do đó nên để chảo nguội mới tiến hành chùi rửa. Nếu các vết bẩn khó rửa, bạn cần chờ chảo nguội và ngâm trong nước khoảng 30 phút trước khi rửa. Qua khảo sát thực tế, rất nhiều người thường quen tay dùng miếng cọ kim loại để rửa chảo, và cho rằng rửa như vậy chảo sẽ sạch hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia kỹ thuật Act Au của hãng chất chống dính Teflon cho biết, kim loại là kẻ thù của chảo chống dính. Việc chùi rửa, chà xát bằng miếng rửa kim loại sẽ khiến bề mặt chảo bị trầy xước, lớp chống dính bị bong tróc làm chảo nhanh hỏng và khiến chất độc dễ ngấm vào thức ăn. Vì vậy, chỉ nên rửa chảo bằng bọt biển hay giẻ mềm.
Đặc biệt, không nên dùng thìa kim loại để đảo thức ăn sẽ khiến lớp chống dính bị trầy xước, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe. Khi sử dụng chảo chống dính, tốt nhất bạn nên dùng thìa gỗ để không gây tổn hại bề mặt chảo. Ngoài ra, các đầu bếp chuyên nghiệp cũng khuyên không nên sử dụng bình xịt dầu ăn, vì nó có thể khiến chảo chống dính hỏng nhanh hơn so với bình thường. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng chảo chống dính để chế biến các loại thực phẩm có tính axit như cà chua, chanh... hoặc lưu giữ lại thức ăn ở trong chảo. Hàm lượng axit có trong các nguyên liệu này sẽ khiến giảm tuổi thọ của chảo cũng như khiến lớp chống dính dễ bong tróc hơn. Bên cạnh đó, cầu lưu ý thay chảo mới khi lớp chống dính bị hỏng, bong tróc lớp chống dính. Theo các chuyên gia y tế, trung bình sau khoảng 1 năm sử dụng, bạn nên thay chảo mới. Vì khi nấu ăn ở nhiệt cao trong thời gian dài khiến chất chống dính bị biến đổi thành lớp khói nguy hại cho sức khỏe và khả năng chống dính cũng không còn.
Phong Vũ (T.H)
Theo Tạp chí Sống khỏe