Bách khoa sức khỏe
12-04-2024 17:00:00
Mách mẹ 5 cách phòng tránh táo bón cho trẻ
Tình trạng táo bón không chỉ là một vấn đề đơn thuần về tiêu hóa mà còn là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những người có con nhỏ. Trẻ em, từ trẻ sơ sinh đến trẻ nhỏ, đều có thể gặp phải tình trạng này.
- Công thức giải độc bằng nước muối giúp làm sạch ruột và đẩy lùi chứng táo bón
- Những người bị táo bón thường rơi vào 6 vấn đề sau
- Giúp xương chắc khỏe và chống táo bón cùng củ đậu
- Ngừa từ táo bón đến ung thư, mỗi ngày chỉ cần một muỗng dầu ô liu là đủ
- Cứu con khỏi ngáo ộp “táo bón”
Theo chia sẻ của các chuyên gia nhi khoa, táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng đi phân không đều, khô cứng khiến người mắc có cảm giác không mắc vệ sinh, hoặc đau rát, khó ra và thậm chí là gây chảy máu mỗi khi đại tiện. Ở trẻ em, nếu trong 1 tuần mà không thể đi đại tiện hơn 3 lần sẽ được xem là đã bị táo bón.
Trẻ em là đối tượng rất dễ bị táo bón do hệ tiêu hóa còn non nớt, hoặc chưa hoàn thiện nếu là nhóm trẻ sơ sinh (Ảnh: Internet)
Nhắc đến nguyên nhân gây bệnh táo bón ở trẻ, thực tế thì có rất nhiều yếu tố khác nhau cùng cộng hưởng. Nhưng thường thấy nhất là 2 trường hợp sau đây:
1. Với trẻ sơ sinh là do cách ăn uống và sinh hoạt của mẹ chưa phù hợp
Trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ là sữa mẹ, mẹ ăn gì là con cũng sẽ ăn đó. Vì thế, nếu mẹ có chế độ ăn uống không phù hợp (ăn nhiều thực phẩm cay nóng, nhiều thịt ít xơ, thực phẩm nhiều đường,... ) thì trẻ cũng sẽ dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa.
Trong trường hợp trẻ bú sữa công thức, thì khả năng cao là do có hàm lượng chất xơ không cao, gây khó khăn trong quá trình tiêu hóa và dẫn đến táo bón. Hoặc do trẻ bị bất dung nạp lactose, nên bị táo bón khi uống sữa có chứa thành phần lactose. Chọn loại sữa công thức chứa đủ chất xơ và lactose, phù hợp với yêu cầu sức khỏe của trẻ sẽ giúp cải thiện tình trạng táo bón.
2. Với trẻ nhỏ là do chế độ ăn uống thiếu cân bằng dinh dưỡng
Chế độ ăn uống của trẻ nếu không cân bằng về mặt dinh dưỡng, đặc biệt là quá ít chất xơ lại nhiều thực phẩm chiên rán, nhiều thịt hoặc tinh bột thì nguy cơ trẻ táo bón là rất cao. Chưa kể có nhiều trẻ thường ham chơi không uống đủ nước trong ngày, điều đó cũng khiến quá trình tiêu hóa trong cơ thể gặp vấn đề.
Dù không phải là một bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng, nhưng trẻ bị táo bón kéo dài có thể gây cản trở đến quá trình phát triển của con, về cả sức khỏe và trí não. Vì vậy, những gia đình nào có con nhỏ - gồm cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu thấy con có dấu hiệu táo bón thì nên thăm khám ngay để có phương án điều trị thích hợp.
5 mẹo giúp mẹ hạn chế nguy cơ táo bón ở trẻ
1. Thiết lập chế độ ăn uống đa dạng và cân đối
Nếu là trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, thì mẹ nên là người làm điều này. Hãy đảm bảo các bữa ăn luôn đi theo quy tắc 4 - 2 - 2 - 2 (40% chất xơ, 20% tinh bột, 20% đạm thịt, và 20% chất béo). Việc ăn nhiều rau củ, hoa quả tươi nhưng vẫn đảm bảo các hàm lượng dinh dưỡng khác sẽ giúp tăng cường sức khỏe, ổn định chức năng của hệ tiêu hóa, giúp trẻ hấp thu tốt hơn và hạn chế các tình trạng táo bón.
Mẹ cũng đừng quên uống nhiều nước ấm, hạn chế căng thẳng để giữ được số lượng và cả chất lượng của sữa nhé (Ảnh: Internet)
Còn với trẻ nhỏ đã ăn được các thực phẩm thông thường, thì việc cân bằng chất dinh dưỡng như trên là rất quan trọng. Hãy hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường (như bánh kẹo ngọt, trà sữa, nước ngọt có gas,... ) và đồ chiên rán (gà rán, pizza, thực phẩm xông khói,... ) trong bữa ăn hàng ngày của trẻ, thay vào đó nên cho trẻ ăn thịt, cá, hải sản đầy đủ và chớ quên bổ sung chất xơ từ rau củ, hoa quả tươi, và ngũ cốc nguyên cám vào khẩu phần ăn của trẻ nhé!
2. Uống đủ nước
Mẹ nên nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên để đảm bảo lượng nước cần thiết cho trẻ trong ngày, nhằm giúp ổn định chức năng tiêu hóa vốn còn yếu kém của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, chỉ nên cho uống nước lọc ấm hoặc nước ép trái cây tươi ít đường, không nên cho trẻ uống nước đá, trà sữa hoặc các loại thức uống ngọt khác.
3. Khuyến khích vận động
Khuyến khích trẻ tập thể dục đều đặn, tham gia các hoạt động vận động ngoài trời cùng bạn bè cũng là điều mà mẹ cần nhớ. Đó là bởi vì vận động,có thể làm tăng nhu động đường tiêu hóa của cơ thể và giảm bớt khó khăn khi đại tiện. Chỉ cần dành 30 phút mỗi ngày để vận động cũng là cách giúp trẻ giảm nguy cơ bị táo bón.
4. Hướng dẫn trẻ đi đại tiện trong 1 khung giờ cố định
Việc đại tiện là một hoạt động bài tiết cực kỳ quan trọng đối với cơ thể, không chỉ giúp thải độc tố và các chất thải ra khỏi cơ thể, mà còn giúp ta hạn chế được tình trạng táo bón. Các nhà nghiên cứu cho hay, hệ thống tiêu hoá sẽ luôn khoẻ mạnh khi ta tạo thói quen đi đại tiện đúng giờ. Thời điểm đi tiêu tốt nhất chính là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, đặc biệt là vào khung từ 5 - 7h.
Mẹ nên tạo thói quen đi đại tiện vào buổi sáng cho trẻ để hệ tiêu hoá luôn ổn định, tránh nguy cơ táo bón (Ảnh: Internet)
5. Không để trẻ nhịn đi đại tiện
Đôi khi vì đang ngoài đường hay trong trường hợp nào đó khiến việc đi đại tiện trở nên khó khăn, một số phụ huynh sẽ yêu cầu con nhịn để đến một nơi khác thuận tiện hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được nhịn khi cảm thấy mắc đi đại tiện. Vì nó sẽ gây ra tình trạng phân ở trong ruột quá lâu, dễ khô và làm nặng thêm tình trạng táo bón.
Tình trạng táo bón không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn gây phiền toái cho cả gia đình. Vì vậy, việc áp dụng 5 mẹo đơn giản như trên không chỉ giúp trẻ hạn chế tình trạng này mà còn tạo ra cơ hội cho một cuộc sống khỏe mạnh và thoải mái hơn. Hãy chăm sóc và quan tâm đến chế độ ăn uống và lối sống của trẻ để tránh tình trạng táo bón.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin