Bách khoa sức khỏe
01-06-2019 00:00:00
Bỏ ngay những thói quen sau nếu không muốn làm hại đôi tai
Một số thói quen thường ngày mà chúng ta cứ tưởng như vô hại lại vô tình khiến đôi tai bị tổn thương, lâu ngày dẫn tới sa sút thính lực.
- Làm gì khi bị ù tai?
- Người Sài Gòn đổ xô đi châm cứu tai để giảm béo
- 6 điều ngạc nhiên hủy hoại đôi tai của bạn
- Thổi bóng bay bằng mũi giúp bé điều trị chảy mủ tai
- SOS: Ngoáy tai nhiều dễ bị viêm nhiễm tai
- Chứng ù tai - chớ coi thường
Vệ sinh tai sai cách
Theo các chuyên gia y tế, tai con người có cơ chế tự làm sạch nên không cần phải ngoáy tai, lấy ráy tai hàng ngày. Việc lấy ráy tai bên ngoài không đau, nhưng nếu ráy tai nằm sâu bên trong lấy ra sẽ rất đau.
Nhiều người mỗi lần tắm lại dùng tăm bông ngoáy tai, hoặc lấy ráy tai hàng ngày cho sạch. Thường xuyên ngoáy tai, lấy ráy tai có thể dễ gây xước, chấn thương ống tai, màng nhĩ, còn đưa thêm vi khuẩn vào tai.
Lấy ráy tai thường xuyên còn đẩy mỗi lần một ít ráy tai vào sâu hơn trong tai, gây đau, sưng tấy, ảnh hưởng đến thính lực. Chưa kể việc làm rụng lông tai sẽ ảnh hưởng chức năng tống chất bẩn ra ngoài cửa ống tai, dẫn tới bị viêm ống tai ngoài và hay có ráy tai hơn.
Nghe nhạc quá to
Nhiều người có thói quen nghe nhạc với âm lượng lớn nhưng lại không hề biết thói quen này rất có hại cho tai của mình.
Theo Prevention, một thống kê từ các chuyên gia tai mũi họng hàng đầu thế giới cho biết có đến 15% dân số trên thế giới ở độ tuổi từ 20 - 70 gặp các vấn đề về thính giác do thường xuyên tiếp xúc với nguồn âm thanh to quá giới hạn. Trong đó, những chiếc tai nghe là thủ phạm chính dẫn tới hiện tượng này.
Để tai tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài chính là thủ phạm khiến màng nhĩ bị ảnh hưởng, từ đó làm khả năng nghe các âm thanh khác trong cuộc sống giảm sút.
Cách để kiểm tra mức âm lượng tai nghe phù hợp hay chưa là nếu bạn dùng tai nghe mà người bên cạnh vẫn nghe thấy âm thanh phát ra từ chiếc tai nghe đó thì bạn nên điều chỉnh âm lượng lại vì mức âm lượng này đã to vượt quá mức quy định.
Dùng headphone trong nhiều giờ liên tục
Đa số nhiều người có chung thói quen nghe nhạc qua headphone… Theo bác sĩ Duy Anh (Bệnh viện E Hà Nội), các chuyên gia thính học đã cảnh báo rằng tuy các phương tiện nghe nhìn hiện đại mang tiện ích nhiều mặt nhưng, nó cũng mang nhiều nguy cơ về sức khỏe đôi tai.
Việc đeo headphone không ý thức được âm lượng phù hợp, hay để âm thanh lớn hơn tiếng động bên ngoài chính là mối đe dọa tiềm ẩn cho thính lực. Việc đeo headphone (nghe nhạc, chơi game...) để tránh làm phiền người khác, nhưng rất có hại về sau, bởi trong tai có khoảng 16.000 tế bào lông để nhận - truyền tín hiệu âm thanh vào não.
Khi tế bào lông bị tác động âm thanh kéo dài, với cường độ quá lớn, dồn dập sẽ trực tiếp làm đôi tai bị tổn thương và điếc sớm. Lâu dài có thể bị rối loạn thần kinh như suy nhược, trầm cảm, mất ngủ... do não bị tác động mạnh.
Để tránh nguy cơ điếc sớm, mọi người nên kiểm soát thói quen nghe headphone, điều chỉnh âm lượng nhỏ hơn 2/3 mức cho phép (khoảng 60-70 dB), không nên nghe âm thanh lớn hơn (90-100 dB) vì sẽ tổn thương ốc tai. Chỉ nên đeo headphone dưới 2 giờ/ngày và không nên đeo khi ngủ.
Một số bà mẹ trẻ nếu muốn cho thai nhi nghe nhạc từ trong bụng, để kích thích não bộ và trí thông minh thì không nên gắn trực tiếp tai nghe vào bụng bầu, mà nên nghe nhạc bằng loa, điều chỉnh âm lượng phù hợp với bản nhạc nhẹ.
Những người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo headphone lâu vì bệnh dễ tái phát.
Dùng vật cứng, nhọn ngoáy tai
Nhiều người có thói quen thích dùng các vật ngoáy tai bằng kim loại cứng, hoặc bất cứ đồ vật gì cứng nhọn như đầu bút, que nhọn, ghim giấy. Việc dùng những vật cứng này ngoáy tai sẽ làm vùng tai giữa bị tổn thương và đưa vi khuẩn vào gây viêm nhiễm tai giữa, nguy hiểm hơn là mất đi hoàn toàn thính giác.
Dùng ngón tay ngoáy tai
Theo các chuyên gia y tế, dùng tay ngoáy tai không chỉ làm tai trong bị tổn thương, ráy tai bị đẩy sâu hơn vào bên trong, mà còn trực tiếp đưa các vi khuẩn gây hại bám sẵn trên tay đi vào sâu trong tai, dẫn tới các vấn đề nguy hiểm như: viêm tai giữa, ngứa tai trong, rất khó chữa.
Các chuyên gia y tế còn cảnh báo, nếu bạn bị tiểu đường, nguy cơ hỏng thính lực còn tăng lên gấp bội do các vi khuẩn tiểu đường có khả năng phá hủy chức năng các mao mạch trong tai, làm hỏng dây thần kinh thính giác khiến tai không còn khả năng nghe bất kì âm thanh nào nữa.
Không khám tai định kì
Nhiều người có thói quen chỉ đi khám tai khi các vấn đề về tai đã cực kì nghiêm trọng. Một số người còn bỏ qua các triệu chứng bất thường về tai như: đau tai, tai ù và chỉ nghĩ đơn thuần một vài ngày sẽ khỏi.
Bác sĩ Richard Rosenfeld, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng tại Trung tâm Y khoa Downstate SUNY, New York (Mỹ) khuyên nên đi khám tai khi gặp bất cứ vấn đề gì khác thường như đau, khả năng nghe giảm sút. Đau tai còn cảnh báo vấn đề ở các bộ phận khác như hàm, răng và cổ họng vì chúng đều có liên hệ với dây thần kinh ở tai. Ung thư cổ họng có thể gây ra những cơn đau tai dai dẳng.
Không chú ý sức khỏe răng miệng
Nếu sức khỏe răng miệng kém cho phép vi khuẩn có hại xâm nhập vào máu, thu hẹp và ngăn chặn các động mạch dẫn đến não. Điều này cũng có thể gây gián đoạn tiếp nhận tín hiệu từ dây thần kinh thính giác. Bởi vậy, bạn nên chú ý chăm sóc chúng đúng cách và đến nha sĩ kiểm tra răng định kì vì sức khỏe răng miệng có liên quan mật thiết đến thính giác của bạn.
Uống nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến các tổn thương não. Điều này khiến não bộ không thể diễn giải và xử lý âm thanh. Nồng độ cồn quá cao trong máu có thể gây tổn hại cho các tế bào lông trong ốc tai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực. Bạn nên chú ý tránh lạm dụng loại đồ uống này để hạn chế gặp phải các tác hại trên.
Nhã Hiên
Theo Tạp chí Sống khỏe