Bách khoa sức khỏe
18-08-2023 00:00:00
Bác sĩ chỉ ra 3 lý do vì sao người mẹ khi mang thai cần phải vệ sinh răng miệng thật kỹ
Các nhà nghiên cứu khẳng định, răng miệng có thể ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của mỗi người, đặc biệt là khi bạn đang mang thai. Nếu không chú ý chăm sóc kỹ gây nên nhiều vấn đề răng miệng, thì thai nhi trong bụng cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể thấy rõ điều này nhất thông qua 3 lý do sau đây.
- 3.500 năm về trước, phụ nữ Ai Cập THỬ THAI kỳ bằng lúa mạch, lúa mì
- 8 xét nghiệm quan trọng trong thai kỳ mà các mẹ nên thực hiện theo chỉ định của bác sỹ
- Răng khôn bị viêm không cứ phải nhổ, làm những điểm này cũng giúp làm giảm viêm đau
- Mảng bám trên răng khiến bạn mất tự tin hẳn, vì thế cần phát hiện sớm để ngăn ngừa và loại bỏ nó giữ cho nụ cười luôn rạng rỡ
- Bỏ túi ngay ''bí kíp'' chăm sóc răng miệng toàn diện và hiệu quả
Theo các chuyên gia sản - phụ khoa, cơ thể của phụ nữ khi mang thai phải trải qua khá nhiều thay đổi và biến động, và điều này có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng của các mẹ bầu. Có thể kể đến như:
- Thay đổi nội tiết tố: khi mang thai, cơ thể của nữ giới sẽ có sự thay đổi mạnh về nồng độ nội tiết tố trong cơ thể. Đặc biệt là sự sản sinh và tăng nhanh hàm lượng hormone estrogen và progesteron, nhằm giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh cũng như thay đổi một số thứ trong cơ thể để chuẩn bị cho việc em bé chào đời. Dù quan trọng là vậy, nhưng sự gia tăng đột ngột 2 loại hormone này trong suốt thời gian dài có thể gây ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe răng miệng. Cụ thể, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm tăng lưu lượng máu đến mô nướu và khiến nướu của bạn nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng và sưng tấy, gây viêm nhiễm răng miệng.
Những thay đổi nội tiết tố này cũng cản trở phản ứng bình thường của cơ thể đối với vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng răng miệng. Điều này dễ khiến mảng bám tích tụ trên răng khiến bạn dễ bị viêm nướu, hoặc u nướu (Ảnh: Internet)
- Thay đổi thói quen ăn uống: mang thai có thể khiến các chị em có sự thay đổi về vị giác, sẽ thích ngọt hoặc chua hơn. Đồng thời cũng sẽ tạo cảm giác thèm ăn hơn (trừ các trường hợp nghén của nhiều người). Việc thay đổi thói quen ăn uống sẽ khiến các chị em không kiểm soát được mình đang ăn gì, điều này cũng có thể khiến sức khỏe răng miệng bị ảnh hưởng và dẫn đến nguy cơ sâu răng nặng.
- Miễn dịch suy yếu: hệ thống miễn dịch trong cơ thể phái nữ có thể bị suy yếu trong suốt quá trình mang thai, điều này đồng nghĩa là khả năng chống lại tình trạng viêm và nhiễm trùng của cơ thể cũng kém hiệu quả. Nếu các chị em không giữ gìn vệ sinh răng miệng, tình trạng nhiễm trùng răng miệng rất dễ xảy ra.
Trên đây là những thay đổi cơ bản của cơ thể, nhưng lại có tác động khá nặng nề đến sức khỏe răng miệng của nữ giới khi mang thai. Nhằm để hạn chế mọi nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra, các chuyên gia nha khoa yêu cầu các chị em cần chú ý chăm sóc và bảo vệ cơ quan này thật tốt. Vì bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào xảy ra ở người mẹ cũng sẽ gây ra biến chứng thai kỳ, khiến cả mẹ và thai nhi gặp nguy hiểm. Đơn cử như với 3 lý do sau đây.
3 lý do vì sao mẹ bầu cần phải giữ gìn vệ sinh răng miệng, nếu không muốn thai nhi bị ảnh hưởng
1. Nhiễm trùng nướu làm tăng nguy cơ sinh non
Tình trạng viêm nướu, nhiễm trùng nướu hay viêm nha chu ở thai phụ có thể khiến họ phải đối mặt với nguy cơ sinh non gấp 2 - 3 lần so với những người có răng miệng khỏe mạnh. Nguyên nhân là do các vi khuẩn, vi trùng trong răng miệng sẽ xâm nhập vào bào thai, làm thay đổi môi trường nước ối, gây ra tình trạng chuyển dạ sớm và sinh non. Trong khi đó, sinh non thiếu tháng là vấn đề rất nguy hiểm với thai nhi, vì lúc này trẻ chưa hoàn thiện hết các cấu trúc trong cơ thể và chưa đủ tuổi thai để chào đời, khi ra đời bắt buộc phải nằm trong ấp liên tục cho đến khi đủ 38 tuần tuổi trở lên. Trẻ sinh non nên dễ xảy ra nhiều vấn đề như sức khỏe yếu trong tương lai, dị tật, hay nguy hiểm hơn là tử vong.
Chưa kể, khi mẹ bị nhiễm trùng nướu, khả năng hấp thu canxi của thai nhi cũng bị giảm sút. Trẻ ra đời sẽ có thể trạng yếu ớt, thấp còi và kém linh hoạt (Ảnh: Internet)
2. Sâu răng có thể gây ra các cơn co thắt tử cung
Mẹ bầu trong giai đoạn mang thai mà bị sâu răng cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ khi mang thai bị sâu răng sinh con ra sẽ có hệ tiêu hóa kém hiệu quả, hệ miễn dịch kém hơn dễ mắc các loại bệnh do mẹ bầu ăn uống kém, thiếu hụt dinh dưỡng cho thai nhi.
Việc vi khuẩn răng miệng phát triển quá mức chúng có thể xâm nhập vào máu thông qua nướu, di chuyển tới tử cung. Chúng sẽ kích hoạt sản xuất một hóa chất có tên prostaglandin chống lại nhiễm trùng. Điều nguy hiểm là chất này có khả năng kích thích co thắt tử cung dễ dẫn đến sinh non.
3. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng cho trẻ trong tương lai
Vi khuẩn gây sâu răng không có trong miệng của bé ngay khi được sinh ra mà lây từ mẹ sang con qua những hoạt động tiếp xúc hàng ngày như ôm hôn, đút thức ăn… hoặc qua những vật dụng mà mẹ bầu sử dụng. Thời gian từ 6 tháng - 3 tuổi là thời kỳ bé dễ nhiễm vi khuẩn sâu răng nhất. Do đó, cách góp phần phòng ngừa sâu răng cho bé hiệu quả là người mẹ chăm sóc răng miệng tốt trong suốt giai đoạn trước, trong và sau thai kỳ.
Mẹ bầu cần chăm sóc răng miệng như thế nào?
Từ những điều trên ta có thể thấy, việc vệ sinh răng đúng cách là điểm then chốt giúp hạn chế các vi khuẩn chứa trong miệng không có cơ hội phát triển và gây bệnh cho phụ nữ khi mang thai. Các chị em cần ghi nhớ những điều sau đây để bảo vệ răng miệng của mình thật tốt:
1. Đánh răng 2 - 3 lần/ ngày
Các nha sĩ khuyên chúng ta không nên đánh răng quá nhiều lần một ngày vì nó có thể gây mòn men răng, nhưng nếu không đánh răng có thể gây ra nhiều hệ quả khó lường. Tần suất đánh răng tốt nhất là từ 2 - 3 lần/ ngày, chia thành đánh răng buổi sáng, đánh răng giữa ngày, đánh răng ngay trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, nên lựa chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp. Với bàn chải, nên chọn bàn chải có lông mềm, đầu nhỏ để dễ dàng chải đến các mảng bám nhỏ hẹp. Và nên chọn kem đánh răng có chứa lượng fluor phù hợp (Ảnh: Internet)
2. Súc miệng ngay sau khi ăn
Súc miệng sau mỗi bữa ăn bằng nước súc kháng khuẩn sẽ loại bỏ những mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Ngoài ra, hành động này còn làm giảm ảnh hưởng của axit lên răng, từ đó trung hòa độ pH trong khoang miệng trở lại mức bình thường nhanh hơn.
3. Dùng chỉ nha khoa
Bạn nên thay thế tăm bằng các loại chỉ nha khoa vì nó sẽ giúp lấy đi những mẩu thức ăn nhỏ bị nhét vào trong kẽ răng mà không làm tổn thương nướu răng. Khi kẽ răng được làm sạch hoàn toàn thì mảng bám, tình trạng kích thích nướu và viêm nhiễm sẽ giảm đáng kể.
Có thể thấy, không giữ gìn vệ sinh răng miệng sẽ mang đến rất nhiều tác hại, thậm chí đe dọa sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi bên trong bụng. Do đó, hãy đảm bảo việc chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng, đúng cách bằng cách đánh răng hàng ngày, sử dụng các dụng cụ làm sạch răng miệng để vi khuẩn, mảng bám không có cơ hội tồn tại và phát triển trong khoang miệng.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin