Bách khoa sức khỏe
02-08-2019 15:00:00
7 tình huống sơ cứu Đúng và Sai
Sơ cứu vết thương nhanh và đúng là cực kỳ quan trọng, việc này ảnh hưởng đến vết thương khỏi sớm hay muộn, hay có biến chứng... mà người bệnh có thể gặp phải.
- Cách sơ cứu người bị chấn thương sọ não
- 11 cách sơ cứu trẻ tại nhà cha mẹ cần biết
- 6 sai lầm khi sơ cứu tại nhà
- “Thổi bay” vết thâm sẹo với 9 nguyên liệu dân gian
Theo trang Brightside, dưới đây là 7 cách làm Sai và Đúng khi sơ cứu mà mọi người vẫn hay mắc phải:
1. Chườm đá lên vết bầm tím
Sai: Đá quả thực giúp làm giảm vết bầm tím, nhưng bạn không nên chườm trực tiếp đá lên da vì như vậy dễ gây bỏng lạnh.
Đúng: Hãy bọc những viên đá lạnh vào một chiếc khăn và chườm trong khoảng 20 phút, lấy đá ra. Đợi 20 phút sau đó lặp lại vài lần.
2. Thoa cồn, giấm để hạ sốt
Sai: Cồn và giấm có thể thấm qua da để đi vào máu. Vì vậy thoa cồn lên da có thể gây nhiễm độc, còn thoa giấm sẽ làm tăng axit máu. Hành động này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em.
Đúng: Nếu sốt không quá cao (<38,5 độ C) bạn có thể hạ sốt bằng cách uống nhiều nước, để phòng thoáng khí, dùng khăn ấm lau người. Khi sốt quá 38,5 độ C, bạn có thể dùng thảo dược hoặc thuốc Tây.
3. Nâng cao đầu người ngất xỉu
Sai: Nếu có người bị ngất, bạn đừng cố gắng nâng cao đầu (vì hành động này làm giảm máu lên não). Sau khi họ lấy lại ý thức, đừng nên cho người bệnh uống cà phê và nước tăng lực vì chúng càng làm cơ thể mất nước.
Đúng: Hãy để người bệnh nằm đầu bằng, nâng hai chân lên, nới rộng quần áo và không để người bệnh đứng dậy ngay sau khi tỉnh.
4. Dùng thuốc mỡ trị bỏng
Sai: Có thể bôi thuốc mỡ sẽ khiến bạn cảm thấy vết bỏng dịu đi đôi chút. Trên thực tế mỡ tạo ra một lớp cách nhiệt với môi trường bên ngoài. Do vậy tạo điều kiện cho nhiệt đi vào bên trong, gây tổn thương sâu và nặng nề hơn.
Đúng: Mở vòi nước lạnh và xả lên vết bỏng trong 15 phút. Không bao giờ được làm vỡ nốt phồng vì đây chính là lớp bảo vệ, ngăn không cho vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập.
5. Rút dị vật khỏi vết thương
Sai: Bạn có thể rút một mảnh gỗ, mảnh thủy tinh nhỏ khỏi ngón tay, nhưng đừng bao giờ rút dị vật khỏi các vết thương nghiêm trọng. Các bác sĩ sẽ giữ dị vật tại vết thương cho đến tận khi vào phòng phẫu thuật. Một nguyên nhân là vì khi rút ra máu sẽ chảy càng nhiều và có thể dẫn đến tử vong.
Đúng: Nếu chẳng may bạn bị dao đâm vào chân hay mảnh sành đâm vào ngực, hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức thay vì rút những vật sắc nhọn ra.
6. Dùng ngón tay để lấy dị vật trong mắt
Sai: Khi có dị vật bay vào mắt, hành động dụi mắt chỉ khiến dị vật di chuyển tới lui, làm tổn thương thêm nhãn cầu. Chọc ngón tay vào để lấy dị vật cũng rất không tốt vì trên thực tế ngón tay là một trong những nơi bẩn nhất trên cơ thể.
Đúng: Rửa dưới vòi nước hoặc nước muối cho đến khi cảm thấy hết dị vật. Bạn cần nghiêng đầu sao cho mắt bị dị vật nằm ở dưới và rửa dưới vòi nước 15 phút, như vậy dị vật hay hóa chất sẽ không vào mắt kia.
Lưu ý nếu bị vôi sống bắn vào mắt, bạn tuyệt đối không được rửa mắt bằng nước, mà phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị đặc biệt.
7. Rửa vết thương bằng ôxy già, cồn
Sai: Nước ôxy già phá hủy tế bào mô liên kết, khiến vết thương chậm lành, trong khi đó cồn đốt cháy các tế bào khỏe mạnh có thể gây ra đau, sốc và bỏng vết thương.
Đúng: Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước đun sôi để nguội, rồi bôi thuốc mỡ lên vết thương. Sau đó băng vết thương lại, ngày thay băng ít nhất 1 lần.
Hạ Thiên
Theo tạp chí Sống Khỏe