Bách khoa sức khỏe
15-06-2021 17:00:00
5 tư thế ngồi mẹ bầu nên tránh vì không khéo sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé
Khi mang thai, chế độ ăn uống, sinh hoạt và tư thế ngồi của mẹ bầu có thể ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của bé yêu trong bụng. Dưới đây là 5 tư thế ngồi mẹ bầu nên tránh để con yêu phát triển khỏe mạnh trong suốt 9 tháng 10 ngày.
- Điểm mặt 6 thói quen tiềm ẩn khiến bạn khó mang thai
- Xổ bụng sau sinh là gì, tại sao nó xảy ra khi mang thai?
- Mẹ bị căng thẳng nhiều khi đang mang thai sẽ khiến con nhanh già hơn
- 3 tư thế tốt cho bà bầu giúp kỳ thai sản trôi qua dễ dàng
- Bị phù khi mang thai – có nên uống ít nước?
Bước vào tam cá nguyệt thứ 2 cũng là lúc thai nhi trong bụng mẹ phát triển nhanh chóng cả về trí não, thể chất và cân nặng. Điều này sẽ tác động đến các nhóm cơ ở phần bụng, lưng, khiến mẹ bầu khó giữ thăng bằng mỗi khi vận động và dễ bị đau nhức. Đặc biệt, nếu phạm phải 5 tư thế ngồi mẹ bầu nên tránh dưới đây, mẹ sẽ vô tình gây hại cho khớp xương, dây chằng của mẹ và sức khỏe của bé yêu.
5 tư thế ngồi mẹ bầu nên tránh
1. Tư thế ngồi không tựa lưng vào ghế
Có thể mẹ chưa biết, ngồi không tựa lưng vào ghế rất dễ khiến mẹ bị đau lưng, nhức mỏi, lâu dài còn ảnh hưởng không tốt đến cột sống. Vì thế, mẹ hãy ưu tiên ngồi trên những chiếc ghế có lưng tựa vững vàng để giữ cho cột sống thẳng. Với những mẹ bầu làm văn phòng, nên chuẩn bị thêm gối tựa nhỏ hoặc chiếc khăn cuộn nhỏ để đặt phía sau lưng, cách này sẽ giúp mẹ hạn chế ngồi sai tư thế, giảm đau nhức lưng.
2. Tư thế ngồi bắt chéo chân
Nhiều mẹ bầu thích ngồi bắt chéo chân vì cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, thói quen này có thể làm cản trở một số tĩnh mạch ở chân, làm chậm lưu lượng máu và tăng nguy cơ bị phù thũng và suy giãn tĩnh mạch vào những tháng cuối thai kỳ. Chưa kể, thói quen này còn dễ gây tổn thương lên xương chậu, thắt lưng của mẹ và khiến bé yêu cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, tư thế này còn tạo nên một áp lực không nhỏ lên thành bụng, khiến không gian hoạt động của bé nhỏ lại, từ đó có thể ảnh hưởng đến quá trình “xoay đầu” của bé.
Ngồi bắt chéo chân có thể khiến mẹ bầu bị suy giãn tĩnh mạch vào những tháng cuối thai kỳ. |
3. Ngồi gập người về phía trước
Ngồi gập người về phía trước là một trong những tư thế ngồi mẹ bầu nên tránh. Tư thế ngồi này không những làm mẹ bầu dễ bị đau lưng, khó chịu, mà còn vô tình tạo áp lực lên thành bụng, khiến cho lượng oxy đưa đến bé yêu bị giảm sút, gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
4. Ngồi xổm
Tương tự các tư thế trên, ngồi xổm sẽ làm phần dưới và cột sống của mẹ bầu bị kéo căng, lâu dần sẽ gây đau lưng, khiến các mạch máu ở chân mẹ bầu bị ùn tắc, dẫn đến phù nề, suy giãn tĩnh mạch và chuột rút. Không những thế, tư thế này cũng tác động lên bàng quang khiến mẹ đi tiểu nhiều, són tiểu...
5. Ngồi nửa mông
Tư thế ngồi nửa mông hoàn toàn không tốt chút nào cho mẹ và thai nhi. Vì tư thế này vừa tạo áp lực khiến cột sống mẹ đau nhức, vừa có thể chèn ép, gây hại đến sức khỏe của thai nhi.
Mách nhỏ tư thế ngồi cực chuẩn cho bà bầu
Một tư thế ngồi đúng sẽ giảm bớt sự khó chịu, căng thẳng cho cột sống của mẹ, từ đó giúp bé phát triển tốt, giúp mẹ có hành trình mang thai dễ dàng và thoải mái hơn. Hãy tham khảo những mẹo đơn giản sau để có tư thế ngồi đúng nhất, mẹ bầu nhé!
Để thai kỳ suôn sẻ, mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến tư thế ngồi của mình! |
- Tư thế ngồi tốt nhất đối với mẹ bầu chính là lưng phải thẳng, vai kéo về phía sau và phần mông phải chạm vào lưng ghế. Ngoài ra, mẹ có thể đặt thêm một chiếc ghế nhỏ để nâng cả 2 chân, khuỷu chân tạo thành một góc 90 độ với mặt đất.
- Nếu ngồi lâu, mẹ bầu nên tập các bài tập đơn giản cho chân để tăng tuần hoàn và tránh chuột rút.
- Nếu mẹ bầu phải ngồi nhiều giờ liền tại nơi làm việc, hãy nhớ đứng dậy và đi lại thường xuyên để thư giãn cơ thể. Ngoài ra, mẹ hãy điều chỉnh độ cao ghế sao cho ngang với mặt bàn, có thể tựa cánh tay và khuỷu tay lên bàn để giúp thư giãn vai.
- Khi chuyển từ tư thế đứng sang ngồi hoặc ngược lại, mẹ bầu nên chuyển từ từ, tránh quá đột ngột vì sẽ khiến mẹ dễ chóng mặt, mất thăng bằng.
- Từ giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, bé yêu sẽ phát triển nhanh khiến bụng mẹ to lên nhanh chóng. Vì thế, mẹ hãy dùng tay đỡ bụng trước khi ngồi xuống hoặc đứng lên để giảm áp lực lên bụng và cột sống nhé!
Bên cạnh việc lưu ý những tư thế ngồi mẹ bầu nên tránh, mẹ cũng nên quan tâm nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày để có thai kỳ khỏe mạnh, thoải mái nhất nhé!
Ngọc Duyên
Theo Người đưa tin